Phải bơm tiền ra nền kinh tế
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này. Nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chính vì vậy phải bơm tiền ra nền kinh tế, chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát, không còn cách nào khác. Chủ tịch nước cho rằng cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, để có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất. Trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn.
“Tôi đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn. Tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế… Những vấn đề đó phải là hệ thống giải pháp, tránh tình trạng chỉ đưa tiền ra mà không có biện pháp quản lý thì hậu quả nghiêm trọng”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, nhấn mạnh với quy mô gói hỗ trợ lên tới 346 nghìn tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả cụ thể gì? Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, cần quy định rất rõ hiệu quả về nguồn lực, hiệu quả đầu ra. Mặc dù trong dự thảo, Chính phủ có đưa ra ba mục tiêu của gói hỗ trợ, đó là đạt mức tăng trưởng GDP 6,5 đến 7%; phục hồi sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, nhưng nếu không có cam kết cụ thể về những kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Mặt khác, theo Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết về phân bổ ngân sách, tất cả những nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ràng buộc. Cho rằng dù phân bổ trực tiếp hay gián tiếp cũng cần có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách và không đồng tình với quan điểm gói hỗ trợ cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đại biểu này kiến nghị bổ sung vào nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách; hỗ trợ tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành, nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành, nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Trên cơ sở đó cần rà soát, không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thật sự cấp bách.
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị cần lựa chọn đúng và trúng đối tượng hỗ trợ, tập trung vào những doanh nghiệp có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế; chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cần rà soát, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng. Mặt khác, phải xác định cuộc khủng hoảng lần này xuất phát từ dịch Covid-19 nên các chính sách hỗ trợ phải lấy y tế làm trọng tâm, then chốt. Đề cập trong tờ trình phân bổ 60.000 tỷ đồng cho mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh, tương đương với 17,3% tổng gói hỗ trợ lần này, không tương xứng với vai trò tuyến đầu của ngành y tế trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm ngân sách cho ngành y tế.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý xã hội, quản lý Nhà nước, tăng cường xử lý kịp thời các công việc trên nền tảng trực tuyến; quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước. Với vấn đề quan trọng, cần thiết nói trên, cần sớm triển khai thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn), chưa khi nào chúng ta chứng kiến nhiều khó khăn đến thế với người lao động và thị trường lao động. Chỉ tính riêng quý 3/2021, cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Nêu rõ dự thảo đã dành khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đại biểu đề xuất tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức, lao động khu vực phi chính thức và nên dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Nhiều ĐBQH cũng cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ lao động mất việc, lao động tự do thì cần đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để có thể nâng cao năng lực đáp ứng trong tương lai và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cần chú ý đến rủi ro lạm phát, kiểm soát chặt dòng tiền
Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại khi thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, cung thêm một lượng tiền lớn vào lưu thông để phục hồi kinh tế thì nguy cơ lạm phát rất hiện hữu. Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về lạm phát: “Đã có kịch bản cho tăng trưởng, cũng cần kịch bản cho lạm phát để bảo đảm tăng trưởng, nhưng vẫn bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế, nhất là bảo đảm lạm phát 5 năm ở mức bình quân 4% như Quốc hội giao”. ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, mục tiêu ổn định vĩ mô là rất quan trọng, do vậy triển khai gói hỗ trợ cần chú ý đặc biệt đến lạm phát, thâm hụt ngân sách nhà nước, vay nợ công... và Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai, nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay-nợ-lạm phát, lợi ích của chương trình phục hồi sẽ bị suy giảm.
Bên cạnh nguy cơ lạm phát, một số đại biểu nêu vấn đề phải kiểm soát chặt dòng tiền, tránh hiện tượng vay tiền nhưng không dùng để sản xuất mà đem đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản. Có ý kiến đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, vay vốn xong gửi lại ngân hàng lấy lãi. ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) nêu quan điểm khâu tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng và quyết định sự thành công của chính sách. Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước thì bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cần phải có đột phá trong cách làm mới có thể đạt hiệu quả cao. Trong đó, thủ tục phải gọn, đơn giản, rõ ràng, minh bạch và cần chú trọng đến khâu hậu kiểm, không đặt ra quá nhiều thủ tục tiền kiểm, do đó nghị quyết cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.
Tiếp thu những ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có phản ứng, chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, nâng cao tính công khai, minh bạch và chống tiêu cực, tham nhũng, xin cho, lợi ích nhóm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực phát triển, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, giải quyết các vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.