Nữ hoàng biển sâu

Ở tuổi 87, Sylvia Earle vẫn được miêu tả như sự tổng hòa của nhiều nhân vật điện ảnh nổi tiếng: một chút James Bond (điệp viên), một chút Jacques Cousteau (nhà thám hiểm), và một chút "Thiên thần của Charlie" (nữ đặc vụ). Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn sáu thập niên, bà đã dành gần 7.000 giờ dưới đáy biển, sống cùng những con sóng và chiến đấu để bảo vệ đại dương.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc đời của Sylvia ấn tượng như chính cái tên tờ The New Yorker đặt cho bà "Her Deepness" (tạm dịch "Nữ hoàng biển sâu").
Cuộc đời của Sylvia ấn tượng như chính cái tên tờ The New Yorker đặt cho bà "Her Deepness" (tạm dịch "Nữ hoàng biển sâu").

"Phải lòng" đại dương

Rất ít người trên thế giới có thể kể những câu chuyện như Sylvia.

Trong cuộc đời đầy ắp những dấu ấn và thành tựu của mình, bà nhớ nhất là kỷ niệm về lần đi bộ dưới đáy biển, ở mức sâu nhất từng được thực hiện. "Bao quanh tôi là bóng tối, được thắp sáng le lói bằng những đốm sáng của các sinh vật biển. Tôi nghĩ mình đang đi lạc vào một thiên hà khác. Những rặng san hô mọc lên từ đáy đại dương xoắn lại như những chiếc lò xo lớn, và khi tôi chạm vào, chúng liền bùng lên thành các vòng lửa mầu xanh. Điều kỳ diệu ấy đã thắp lên trong tôi niềm khát khao được đi sâu hơn, khám phá mọi thứ!".

Có một sự thật thú vị: Sylvia được ghi nhận là một thiên tài (tốt nghiệp trung học phổ thông năm 16 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 19 tuổi, đến năm 20 tuổi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ), nhưng bố mẹ của bà lại chưa học đến đại học. Tuy vậy, họ đã truyền cho con gái mình tình yêu thiên nhiên ngay từ tấm bé. Hồi ấy, Sylvia có thể dành hàng giờ ngồi bên chiếc ao nhỏ ở sân sau, bắt và đổ đầy cá, nòng nọc vào từng lọ, rồi ghi lại tỉ mỉ mọi thứ bà quan sát được.

Sinh ra và lớn lên ở New Jersey, bên bờ biển Đại Tây Dương, Sylvia "phải lòng" đại dương, như một lẽ tất yếu. "Con bé hào hứng chạy qua các cồn cát, khát khao được chạm vào sóng, để rồi bị sóng xô ngã. Ban đầu cũng sợ hãi, nhưng con bé nhanh chóng phấn khích trở lại và… lại lao ra biển", mẹ của bà hồi tưởng.

Vừa thông minh, vừa đầy ắp đam mê, năm 1966, Sylvia Earle nhận bằng tiến sĩ thực vật học. Luận án của bà được xem như một "phép màu", bởi để thu thập hơn 20.000 mẫu tảo và lập danh mục thực vật thủy sinh ở vùng Vịnh Mexico, Sylvia đã tự mình lặn xuống đáy biển, trực tiếp ghi lại tất cả tư liệu về sinh vật biển nơi đây. Cho đến nay, đó vẫn là nghiên cứu mang tính bước ngoặt.

Cho dù dành đến tổng cộng gần 7.000 giờ dưới biển trong suốt cả cuộc đời, Sylvia vẫn luôn trân trọng những trải nghiệm đầu tiên: "Tất cả những gì bạn được hướng dẫn là: Cứ thở bình thường. Và đương nhiên rồi, thực tế không dễ dàng như vậy. Nhưng khi đã quen, bạn có thể cảm thấy cơ thể như không có trọng lượng. Bạn có thể xoay tròn bằng một ngón tay chống xuống đáy biển, hay nhào lộn như một vũ công ballet duyên dáng".

Như thể sinh ra để phá vỡ mọi định kiến, năm 1970, Sylvia đăng ký và được chọn trở thành người dẫn đầu một đội toàn nữ tham gia dự án Tektite II, được Hải quân Mỹ, Bộ Nội vụ và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ. Tương tự như dự án Man In Sea, Tektite II là chương trình thử nghiệm cho phép các nhà khoa học sống và làm việc trong hai tuần ở môi trường sâu 50 feet (tương đương 15,24m) dưới mực nước biển, ngoài khơi quần đảo Virgin, với mục tiêu ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm thu thập dữ liệu về sinh vật biển. Khi ấy, Sylvia là người giàu kinh nghiệm lặn biển nhất trong nhóm.

Nhưng, sự nổi tiếng đó không phải là điều mà Sylvia quá bận tâm. Với bà, điều quan trọng nhất lại là việc: Trải nghiệm quý giá này khiến mối liên kết giữa bà và biển nói riêng, hay với thiên nhiên nói chung, càng thêm khăng khít.

Nữ hoàng biển sâu ảnh 1

Sylvia Earle đã dành gần 7.000 giờ dưới đáy biển, sống cùng những con sóng và chiến đấu để bảo vệ đại dương.

Những nhiệm vụ xanh

Đam mê chắc chắn không bao giờ nguội lạnh, nhưng Sylvia hiểu rằng bà cần làm nhiều hơn thế để bảo vệ đại dương.

Bà bắt đầu bằng việc tự mình nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các dụng cụ hỗ trợ nhà khoa học có thể lặn và làm việc ở những độ sâu chưa từng thấy, lấy tên là Deep Ocean Engineering. Thậm chí, bà tham gia công tác lắp ráp cả các tàu ngầm robot, để khám phá những nơi vượt ngoài tầm với của con người. Bà giải thích: "Tàu ngầm cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu ở những nơi đang triển khai những hình thức bảo vệ đại dương, đồng thời xem xét khả năng bảo vệ nâng cao ở những nơi cần được quan tâm".

Không chỉ dừng ở đó, đến năm 2010, Sylvia thành lập tổ chức Mission Blue (Nhiệm vụ Xanh), với mong muốn gióng lên hồi chuông "Hãy cứu lấy đại dương" trên toàn thế giới. Hoạt động trọng tâm mang tên Hope Spots (Điểm hy vọng) - những địa điểm được giới khoa học xác định là quan trọng đối với sức khỏe đại dương, do đó cần phải được bảo vệ, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Mỗi Điểm hy vọng sẽ được các nhà bảo tồn địa phương "canh gác". Nhóm nhân viên tại trụ sở Mission Blue sẽ đóng vai trò kết nối cộng đồng, hỗ trợ tư vấn khoa học, hợp tác với các cơ quan sở tại để bổ trợ, cung cấp công nghệ cho từng điểm. Khi đặt tên cho dự án này, Sylvia mong mỏi rằng bà có thể tạo nên một làn sóng toàn cầu, thông qua việc mỗi cá nhân đều có thể ghim lên bản đồ một địa điểm cho riêng mình để bảo vệ, để giữ gìn, từ đó có thể tạo thành cả một phong trào mạnh mẽ.

Đến nay, trên toàn thế giới đã ghim được 147 Điểm hy vọng, đạt mức bao phủ 57.577.267km2 mặt biển. Và đương nhiên, Sylvia Earle, ở tuổi 87, vẫn đang miệt mài cùng đội ngũ của mình làm việc hằng ngày để nâng cao con số ấy.

Cuộc đời của Sylvia ấn tượng như chính cái tên tờ The New Yorker đặt cho bà "Her Deepness" (tạm dịch "Nữ hoàng biển sâu"). Quả thật, rất khó để tìm được một từ tiếng Việt chính xác chuyển ngữ trọn vẹn được danh xưng ấy, nhưng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Sylvia và đại dương đều hiện diện sâu thẳm trong nhau!