Nụ cười mùa xuân

Ba mươi Tết phải đi trực trường, tôi có cảm giác không được thoải mái nên mới sớm mai đã chưng bộ mặt bi thiết dù được cô em chồng nỗ lực chọc cười.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN PHÚ
Minh họa: NGUYỄN PHÚ

Cười sao nổi mà cười. Dù gì đây cũng là năm đầu tiên tôi về làm dâu nhà người, đi trực đúng vào hôm nhà chồng cúng tất niên. Anh em về đông đủ, lại thêm ông bà nội tận ngoài Bắc cũng về, cơ bản để mừng mùa xuân đầu tiên có cháu dâu mới. Mình nhân vật chính mà chẳng được ở nhà để trổ tài công, dung, ngôn, hạnh lấy điểm, thiệt chán. Vì lẽ đó mà tôi dắt xe ra khỏi nhà, đi giữa cơn gió mùa xuân mà mặt mày buồn rượi.

Xóm núi cuối năm, đoạn đường từ nhà tới trường vẫn không có gì thay đổi. Xuân trên núi là vầy sao? Ai lại nghĩ ảm đạm đến mức này. Tết cũng như ngày thường, vẫn cứ heo hắt mấy ngôi nhà lưa thưa, núp dưới tán những cây xoài nhiều tuổi. Đi giữa cánh cửa mùa xuân, tôi cố ý đi thật chậm, muốn bắt gặp cảnh nàng xuân đang đến gõ cửa từng nhà. Nhưng tôi hơi thất vọng, về cơ bản, vẫn là sự lặng lẽ. Không phải sự lặng lẽ nào cũng cần thiết. Tôi không quen với sự lặng lẽ này, cái lặng lẽ của ngày ba mươi Tết thật không dễ chịu chút nào.

À, quên mất, đây vẫn là vùng kinh tế mới giai đoạn đầu. Ngôi trường tôi đến trực là trường THCS duy nhất của xã. Trường nằm trên đồi, chỉ năm lớp, cây trên núi mọc sát xuống vách phòng học. Ngày cuối năm, trời không có nắng. Cảm giác tối om om. Một mình giữa ngôi trường nhỏ nằm khuất dưới hai ngọn cây kơ nia to, gốc mấy người ôm khiến cô giáo trẻ thấy sợ. Tôi không dám lên mở cửa văn phòng, bèn ngồi một mình dưới chân trụ cờ. Buồn bã nhìn bâng quơ chung quanh, suy nghĩ mông lung về những ngày cuối năm, về Tết quê và Tết xa xứ...

Vâng, cái Tết xa xứ đầu tiên, cảm giác lạ lẫm toàn tập. Từ khung cảnh đến tâm trạng. Đang miên man bao nỗi, bỗng tôi nghe có tiếng rèn rẹt ở phía sau lưng. Tôi quay lại nhìn, một bộ đồ mỏng manh, chân đi dép nhựa, đầu đội chiếc mũ chụp vành siêu cũ đang kéo bó củi khô từ sau đồi kéo tới. Tôi có gặp chị này rồi nhưng chưa quen. Một hai lần ghé chợ, ban đầu ngạc nhiên khi thấy chị “ư ư” trong miệng, cố gắng, nhẫn nại hết cỡ cũng không phát ra thành lời đành lấy tay chỉ, ra hiệu mua bao nhiêu cái nọ cái kia. Chắc người ta nghĩ tôi không phải người bản địa nên không biết, bèn chỉ vào cô bé ốm nhách, da bủng beo và có gương mặt ngờ nghệch đứng bên chị nói với tôi như giới thiệu một hoàn cảnh đặc biệt: tội nghiệp, mẹ con bị câm hết đó cô giáo, lại còn khờ nữa. Tôi “dạ” rồi cũng chỉ biết cười nhẹ cho phải đạo, chỉ nghe vậy, biết vậy chứ không hỏi gì thêm. Nhưng thực tình, tôi đã có chút khó chịu khi những hôm sau nghe người ta gọi gộp “mẹ con bà Câm”. Họ gọi tỉnh bơ như gọi tên nhưng tôi thấy tội tội, chạnh lòng, tổn thương cho mẹ con chị và bức xúc với kiểu gọi bất nhã đó. Nhưng khi nghe được câu chuyện của chị, tôi đã kịp nghĩ lại. Nghe đâu chị đã lẻn leo lên chuyến xe về vùng kinh tế mới này, lúc xuống xe người ta mới biết đã chở nhầm một cô gái không biết nói, không người thân. Cô gái được một bà cụ đơn chiếc nhận về hộ của mình. Một căn nhà đất được dựng, sau bà cụ mất, cô ở một mình. Rồi khi vùng kinh tế mới được trồng nhiều mía, đến mùa thu hoạch người ở địa phương khác kéo tới dựng lều làm công, lúc họ dời đi thì người chung quanh cũng thấy cái bụng của cô gái câm lớn dần. Chửa một mình, đẻ một mình và đương nhiên, nuôi con cũng một mình. Mẹ bị câm nên con cũng không nói được, chẳng biết vì lý do di truyền hay tại môi trường. Chỉ biết, từ khi cô bé biết đi, biết chạy, người ta gọi luôn “mẹ con bà Câm”. Dù khi cô bé câm ở với bà cụ đơn chiếc, bà gọi Bé. Chẳng thể tìm được người gọi đầu tiên mà trách cứ, chỉ biết vì người trước gọi rồi người sau cũng gọi, đến khi ai cũng gọi thì nó đã trở thành danh từ riêng, cái tên “Bé” đã bị khai tử sau khi bà cụ mất.

Sau đôi lần tình cờ thấy ngoài chợ, tôi thường gặp mẹ con chị ở trước con đường vào trường. À, ra ngôi nhà lụp xụp sau lưng mấy ngôi nhà kiên cố bán buôn ở gần trường là của mẹ con chị. Hai mẹ con lúc nào cũng dính lấy nhau như hình với bóng. Bao lần lướt qua họ, trong tôi đều gợn lên ý nghĩ: Ám ảnh lắm hình ảnh hai chiếc bóng lầm lũi trong ngôi nhà nhỏ bé. Biết chị khổ vậy nhưng một cô giáo mới ra trường đã vội tô son đánh phấn về nhà chồng hiện ôm đống nợ sau cưới cũng chẳng biết làm gì để giúp chị ngoài lòng thương cảm. Muốn một lần nào đó ghé thăm chị như một sự sẻ chia nhưng vẫn chưa có cơ hội. Hôm nay chắc đã đủ duyên. Tôi lật đật chạy lại phụ kéo bó củi khô giúp chị xuống cái dốc thẳng đứng ngay cổng trường. Chị nhìn tôi, nhìn bằng ánh mắt hàm ơn khi tạm biệt. Tôi nói: “Để em phụ một tay, kéo xuống nhà chị luôn!”. Chị xua tay, ứ ư trong miệng, ý không dám phiền cô. Nhưng tôi cười rồi rất tự nhiên khom xuống, cầm một phần ở đầu bó củi cùng kéo với chị.

Xuống tới cửa nhà, một cô bé cùng trang lứa với học sinh lớp 6, 7 nhưng hơi gầy, khi đi hơi khom khom, có vẻ em bị gù nhẹ, chạy ra “ơ, ơ” cầm tay mừng mẹ về. Chị nhìn con rồi tỏ vẻ bối rối chuyển qua nhìn tôi, kiểu ngại không dám mời cô giáo vô nhà chơi, mà cũng chẳng thể đứng trò chuyện cùng. Thấy vẻ bối rối của chị mà thương, tôi tự nhiên xông thẳng lại hè ngồi. Vừa lúc đó, một bác, chắc nhà hàng xóm cầm cây bánh tét qua đặt lên tay chị, rồi quay lại nói với tôi:

- Cho mẹ con nó cây bánh tét, gọi là để có Tết với người ta.

Tôi mỉm cười, chưa kịp hỏi thì bác lại ngồi cạnh và kể:

Không có ai bà con thân thích ở nơi đây. Hai mẹ con bơ vơ, Tết không có chỗ đi về, không ai lui tới. Cũng không biết bố đứa bé là ai luôn. Bác nói bằng giọng ngậm ngùi nhất: Có khi chính nó cũng không biết bố của con mình là ai luôn, cái thời làm mướn ngủ lăn lộn ngoài đồng ấy mà, có khi bị tên cục cằn bỉ ổi nào đó đã đè hiếp cũng nên. Tôi không biết nói sao để chia sẻ, chỉ lặng lẽ thở dài. Bác kể tiếp: Không có tấc đất cắm đốt mì mắc mía. Nguồn thu nhập của mẹ con nó là lên nương cuốc cỏ, chặt củ mì, chặt mía. Cô con gái mỗi ngày theo mẹ lên nương, lại chỗ có bóng mát nằm ngủ. Chiều mẹ dẫn về. Có hôm đi làm trong núi xa thì mẹ để ở nhà, em ngồi trước chiếc võng móc dưới hai gốc cây ổi, mỏi thì đi lẩn thẩn trên đường, dòm đông dòm tây một chập rồi cũng về nằm trên võng đợi mẹ. Bác nói: Khổ trần ai chứ không phải khổ thường. Mẹ chỉ bị câm nhưng đứa con gái vừa câm, vừa điếc và hình như mắc bệnh đao thì phải. Người lòng thòng, tay chân thừa thãi. Cứ ngơ ngơ, khờ khờ, lớn tồng ngồng nhưng không thể tự chăm sóc bản thân. Mẹ hằng ngày phải đi làm mướn, về tới nhà còn lo tắm rửa, cơm nước cho con. Một người đàn bà khỏe mạnh, nuôi một đứa trẻ lành lặn đã là chuyện cực khổ, đằng này chị, một người bị… Tôi vội bụm miệng vì thấy mình đã lỡ lời, bỏ dở câu nói và lại thở dài.

Đang nói chuyện thì bác la toáng, chết, cạn nước xoong canh cúng tất niên rồi tất tả chạy về. Tôi cũng giật mình nhớ cảnh cả nhà đang chờ sum họp cuối năm nên lật đật lên trường, lấy xe chạy thẳng về nhà. Tôi không còn tâm trí để nghĩ chuyện Tết xa nhà nữa. Suốt đường đi cứ ám ảnh ngày cuối năm chỉ chuẩn bị bó củi khô. Thương quá! Mà sáng mai đã Tết. À, có cách rồi. Tôi vô xin phép cả nhà được đi thêm một lát. Mẹ chồng hỏi đi đâu, tôi ấp úng nói đi lì xì sớm cho cô bé trước cổng trường. Biết cô bé nào rồi. Mẹ nói rồi liền đi vô, lấy đưa tôi một giỏ vừa bánh vừa thịt bảo gửi mẹ con chị ấy ăn Tết cho vui. Tôi bất ngờ trước nghĩa cử này, trìu mến nở một nụ cười thật tươi cảm ơn mẹ chồng.

Tôi đi chậm. Giờ thì đủ thanh thản để bước vào cánh cổng mùa xuân. Chiều ba mươi, đường làng đã khác lúc sáng. Sạch sẽ tinh tươm. Tôi thấy vui vui khi mọi nhà đã bật điện sớm hơn thường lệ. Đây là năm đầu tiên xóm núi có điện nên ngày cuối năm thấy cũng khang trang, một người chắc có thói quen đi dạo chiều ba mươi giáp mặt tôi thì phấn khởi nói vậy. Cũng vừa lúc tôi dừng xe nên hưởng ứng: “Dạ, giờ thì đã ra Tết rồi!”. Tôi nói xong thì xách giỏ quà vào nhà chị Bé.

Trước sân, tôi thấy có cái bàn nhựa nhỏ, đặt lọ hương, đĩa bánh ngọt và cây bánh tét lúc nãy. Tôi đưa chị phần quà và nhét vào tay bé con cái phong bì, nói: Cô lì xì cho bé! Chị nhìn tôi, cô bé nhìn tôi, tất cả chúng tôi nhìn nhau và cười. Chị ra dấu cho con gái gật đầu cảm ơn. Tôi lại cầm tay chị rồi mới ra về. Đã leo lên xe, tôi vẫn thấy mẹ con chị mỉm cười nhìn theo…