Nông sản Việt chinh phục thị trường hơn tỷ dân

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại sau hơn ba năm áp dụng chính sách Zero-Covid được dự báo sẽ tạo ra những tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, chúng ta có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường tỷ dân này, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả tươi.
0:00 / 0:00
0:00
Sầu riêng của Việt Nam kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay.
Sầu riêng của Việt Nam kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay.

Giá tăng "đột biến"

Thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua năm cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Lào Cai, bình quân mỗi ngày có hơn 500 xe chở nông sản sang Trung Quốc được thông quan. Hoạt động xuất, nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc bình thường trở lại, với nhu cầu lớn từ thị trường tỷ dân đã đưa giá nhiều loại nông sản tăng mạnh.

Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Trong những ngày qua, giá sầu riêng đang được thu mua tại vườn lên mức 80.000-90.000 đồng/kg (Ri6), 120.000-130.000 (Monthong), đây là mức tăng cao kỷ lục từ trước đến nay và tăng gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái. "Đã 10 năm hoạt động, chưa từng thấy trái sầu riêng có giá bán hấp dẫn đến thế. Hợp tác xã hiện có 102 thành viên, quy mô sản xuất 191ha. Sầu riêng được giá nên bà con xã viên ai cũng vui mừng", ông Lộc chia sẻ. Dù giá cao, nhưng vì trái mùa nên hiếm hàng, để mua được sầu riêng, có thương lái phải chi mức hoa hồng 1.000 đồng/kg cho người giới thiệu vườn sầu riêng đến vụ thu hoạch.

Còn đối với mít Thái, ghi nhận ở các khu vực trồng nhiều mít tại tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp trong tuần qua, nông dân đã xuất bán những lứa mít đầu vụ với mức giá dao động từ 22.000-34.000 đồng/kg, cao gấp bốn đến năm lần so năm 2022 khi giá mít có thời điểm rớt xuống còn mức 5.000-7.000 đồng/kg.

Không chỉ sầu riêng và mít Thái, mà thanh long cũng tăng giá mạnh. Giá thanh long ruột đỏ loại một tại vựa thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đang được thu mua với giá hơn 34.000 đồng/kg, loại hai với giá 28.000-30.000 đồng/kg và loại ba là từ 23.000-25.000 đồng. Mức giá này tăng 10% so trước Tết và gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá thanh long tại Long An dao động từ 30.000-33.000 nghìn đồng/kg. Với giá mua như trên, các nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau khoảng thời gian giảm giá mạnh…

Chủ động khơi thông thị trường

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 4,5 tỷ USD. Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ quốc gia này đạt hơn 6,6 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử; đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới... Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết: Trung Quốc là thị trường Việt Nam xuất khẩu lớn nhất về hoa quả, chiếm tỷ trọng 45,38%; trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc cũng là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); tương tự cao-su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 71,91% tổng lượng xuất khẩu ra nước ngoài.

Về thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thông qua Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" của Tổng cục Hải quan, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục xây dựng thị trường có tiêu chuẩn cao. Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản bền vững, hiệu quả sang thị trường tỷ dân này, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi khuyến nghị: Các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Đối với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Cũng liên quan tới xuất khẩu nông sản, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1/2022, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư kiểm dịch thực vật. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng. Từ thực tế này, ông Nguyên kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác đàm phán với các cơ quan liên quan bên phía nước bạn, sớm ký kết Nghị định thư đối với các loại hoa quả còn lại, để tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh sang thị trường Trung Quốc bằng chính ngạch.

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Công (Trung Quốc) đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 59% so năm 2021. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn cho thủy sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong năm 2023, nhất là với mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra.