Nỗi lo “hết vaccine”

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh vừa thông báo đã hết sáu loại vaccine tiêm chủng mở rộng. Thậm chí, tới đây thành phố có thể hết sạch các loại vaccine. Thực trạng này đang gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Đáng lo hơn, hồi chuông cảnh báo này đã được gióng lên nhiều lần tính từ sau đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00

Vaccine chỉ là một trong nhiều thứ trở nên khan hiếm gần đây trong ngành y tế. Nhớ lại thời điểm năm 2022, khi nước ta vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19, có lúc 26/34 sở y tế tỉnh, thành phố báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến T.Ư báo cáo tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Tình trạng đáng lo ngại đến mức, tháng 9/2022, Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư (Hà Nội) tuyên bố chỉ còn thuốc tê đủ cho hai tuần. Hết thuốc tê đồng nghĩa bệnh nhân phải chấp nhận phẫu thuật “sống” (không có thuốc tê) hoặc phải sống chung với bệnh chờ thuốc về!

Ngoài thuốc men, các loại trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao cũng gặp tình trạng tương tự. Nguyên nhân ban đầu được cho rằng xuất phát từ phía cơ chế. Luật Đấu thầu thời điểm đó quy định một số điểm chưa rõ ràng. Các cơ sở rất khó định giá và tiến hành đấu thầu vật tư, trang thiết bị. Một số chủng loại vật tư, trang thiết bị chậm đưa vào danh sách cho phép lưu hành của Bộ Y tế. Từ đó dẫn đến nhiều cơ sở không có đủ trang thiết bị máy móc, thậm chí phải ra ngoài “mượn, thuê” của tư nhân.

Một số ý kiến tiêu cực còn cho rằng, có những thế lực đang lấy người bệnh ra làm “con tin”. Tình trạng khan hiếm thuốc và trang thiết bị y tế bị “cố tình” làm trầm trọng thêm. Thông qua đó gây sức ép lên cả bộ máy và toàn xã hội, chống lại các quy định mới ngặt nghèo trong đấu thầu và mua sắm của ngành y tế.

Nhưng những ý kiến tiêu cực dần được chứng minh là không có cơ sở. Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu 2023, trong đó có nhiều điểm mới trong lĩnh vực y tế. Nổi bật nhất như: Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, trang thiết bị trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Mua sắm tập trung đối với thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế…

Ban hành các văn bản luật theo hướng hoàn thiện, chi tiết và chặt chẽ hơn đã trở thành xu thế chung. Xu thế này không thể đảo ngược, không chỉ với ngành y tế, mà còn với tất cả các ngành, mọi mặt của xã hội. Từ đó đòi hỏi tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng trong xã hội. Tình trạng thiếu thuốc men và trang thiết bị y tế liên tục tái diễn có một phần không nhỏ là chính các cơ quan, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm, quyền hạn của mình. Cụ thể ở đây là một bộ phận không nhỏ những người có trách nhiệm chưa làm tròn bổn phận, chưa đau nỗi đau cùng bệnh nhân, lo nỗi lo cùng nhân dân…