Nỗ lực vượt “cơn gió ngược”

Những rủi ro từ kinh tế toàn cầu; hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị “bào mòn” sau đại dịch Covid-19... đang là những thách thức của kinh tế Việt Nam. Ðiều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh | DUY KHƯƠNG
Thu hoạch lúa ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh | DUY KHƯƠNG

Áp lực mục tiêu tăng trưởng

2/3 chặng đường của bức tranh kinh tế năm 2023 đã đi qua, nhìn tổng thể những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 3,1%, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động.

Theo nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước và quý sau cao hơn quý trước. Các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp, lãi suất giảm, tỷ giá khá ổn định, đặc biệt các chỉ số về nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều dưới ngưỡng và cách khá xa hạn mức Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, khó khăn thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung của toàn cầu cũng như các giải pháp hữu hiệu khắc phục những bất cập nội tại của nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phải đối phó với “những cơn gió ngược”. Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng... Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia.

Trong khi đó, tình hình trong nước chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản... bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong nước sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm; mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%; cũng như Kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2021-2025 cũng cần sự phấn đấu lớn.

Trước những khó khăn, thách thức, ngay từ giữa năm đến nay, nhiều tổ chức quốc tế đã điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Báo cáo "Vietnam At A Glance tháng 7/2023” do Ngân hàng HSBC thực hiện đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 còn 5,0%, giảm từ mức 5,2%. Trong khi đó, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ rất khó đạt mức 6% như dự báo trước đó và điều chỉnh còn 5,2%. Các chuyên gia của UOB cho rằng, triển vọng phía trước sẽ đầy thách thức, đặc biệt là trong quý IV/2023 với mức nền so sánh cao ở cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi trung tuần tháng 7/2023 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8%.

Mặc dù điều chỉnh giảm mức dự báo nhưng đa số các tổ chức quốc tế vẫn nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực trong ngắn hạn. Việt Nam vẫn được coi là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh vào năm 2023, trong khi phần còn lại của thế giới được dự báo sẽ tiếp tục trải qua suy thoái nghiêm trọng.

Theo Ngân hàng Standard Chartered về trung hạn, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao nhờ kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa; lượng khách du lịch liên tục phục hồi sẽ hỗ trợ cán cân dịch vụ; nỗ lực của Chính phủ và sự cải thiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ là những yếu tố để thúc đẩy dòng vốn đầu tư.

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng như Kế hoạch cả nhiệm kỳ 2021-2025 (6,5%), Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: Đây là mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.

Ðâu là động lực để bứt tốc?

Hai trong số các động lực chính cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế là: mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực xuất khẩu của quốc gia. Những chỉ dấu mới nhất đều cho thấy, cả 2 động lực này đều đang cải thiện theo từng tháng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng qua đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %). Giải ngân FDI lũy kế đến tháng 8/2023 đạt 13,1 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Cam kết và giải ngân FDI ổn định phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu.

Ở lĩnh vực xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu đã liên tục gặp khó khăn và có sự suy giảm ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là vài tháng gần đây, xuất nhập khẩu đã có tín hiệu dần phục hồi. Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Liên tục từ tháng 5 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng sau cao hơn tháng trước. Dù con số tuyệt đối chưa thật sự ấn tượng, song dấu hiệu phục hồi này cho thấy các giải pháp xúc tiến xuất khẩu đã và đang mang lại kết quả tích cực.

Các chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ, giảm thuế và tăng chi tiêu công đã giúp giảm thiểu tác động của những “cơn gió ngược”. Các chính sách hỗ trợ của Việt Nam phát huy tác dụng, giúp xuất khẩu bắt đầu hồi phục, giúp đất nước có vị thế mới nổi là trung tâm sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thì mức tăng trưởng có thể cao hơn. Ông Lực cho rằng, cần tập trung vào các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và năng suất tổng hợp (TFP); từ khu vực kinh tế tư nhân; từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển kinh tế xanh...

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy một số công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, tác động lan tỏa lớn đưa vào khai thác cũng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đầu tàu sản xuất công nghiệp khác của cả nước như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Dù những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế đang ngày càng lớn dần, song thực tế, khó khăn, thách thức ở phía trước vẫn còn rất lớn đòi hỏi các ngành, các cấp cần nỗ lực vào cuộc trong những tháng còn lại của năm.