Những triệu phú nông dân ở vùng cao Sa Pa

Giữa vùng đất chỉ có núi cao, mây mù quanh năm bao phủ ở Sa Pa đã và đang xuất hiện những triệu phú nông dân người H’Mông, người Dao với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Những điển hình trong sản xuất với khát vọng làm giàu đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, đổi thay diện mạo vùng cao Sa Pa.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình của anh Hạng A Giả, xã Ngũ Chỉ Sơn góp phần nâng cao thu nhập gia đình.
Mô hình của anh Hạng A Giả, xã Ngũ Chỉ Sơn góp phần nâng cao thu nhập gia đình.

Đang bận rộn chăm sóc những luống rau bắp cải lên xanh mướt trong vườn, anh Hạng A Vảng, Tổ dân phố số 1 (phường Hàm Rồng, Sa Pa, Lào Cai) bảo năm nay thời tiết thuận lợi, rau ít bị sâu bệnh, chỉ khoảng một tháng nữa vườn rau bắp cải của gia đình sẽ đến thời điểm thu hoạch. "Năm nay, gia đình tôi trồng 3 vạn cây bắp cải, thu ít nhất được 30 tấn, nếu bán 5.000 đồng/kg thì sẽ thu về 150 triệu đồng. Ngoài ra, tôi chuẩn bị trồng khoảng 2,5 vạn cây mầm đá. Đây là loại rau đang được ưa chuộng, giá trị kinh tế cao vì mỗi kg có giá 15-20 nghìn đồng. Khi thu hoạch, tổng sản lượng 25 tấn thì sẽ bán được trên 350 triệu đồng", anh chia sẻ.

Anh Vảng được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Những năm trước, từ trồng rau anh Vảng thu nhập ổn định mỗi năm từ 200-300 triệu đồng. Nhờ đó, anh không chỉ xây được ngôi nhà mới khang trang mà sắm được chiếc ô-tô bán tải trị giá gần 1 tỷ đồng phục vụ cho sản xuất.

Từ lâu, bà con ở Ngũ Chỉ Sơn luôn khâm phục anh Hạng A Giả, dân tộc H’Mông, sinh năm 1985, về ý chí và nỗ lực làm giàu.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, anh Giả hiểu rõ cái vất vả, khổ cực của cuộc sống đói nghèo mà các thế hệ cha, ông mình đã trải qua. Đến nay, không chỉ sở hữu hai ngôi nhà ở trung tâm xã, có xe ô-tô riêng, anh còn thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng nhờ kinh doanh dịch vụ ăn uống và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn địa lan với gần 200 chậu lan lớn, nhỏ được chăm sóc cẩn thận, đang nhú những ngồng hoa mới, anh Giả bảo mỗi chậu địa lan này bán vào dịp Tết đều có giá từ 2,5-4 triệu đồng: "Cuối năm 2021, gia đình tôi bán được khoảng 80 triệu đồng. Ở Ngũ Chỉ Sơn, trồng địa lan là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của nhiều hộ dân người H’Mông, người Dao". Ngoài trồng lan, anh Giả còn tận dụng diện tích đất gần 5ha của gia đình để trồng su su theo hướng hàng hóa. Anh Hạng A Giả là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để nhiều hộ dân người H’Mông, người Dao dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn học hỏi, làm theo.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa chia sẻ: Năm 2021, thị xã Sa Pa có 1.322 hộ đạt danh hiệu "hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", chiếm 10,2 % so với hộ nông nghiệp, nông thôn.

Điều đáng nói là số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, qua phong trào đã có 1.057 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số đạt danh hiệu các cấp (chiếm 80%).

Đặc biệt, có 26 hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo vượt khó với mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, điển hình như: Hộ ông Chảo Vần Chòi (xã Bản Hồ), Hạng A Xóa (phường Phan Si Păng), Là A Cứu, Tẩn Kiềm Tá, Đào A Củi, Chảo Vần Sinh (xã Mường Bo). Từ mô hình chăn nuôi và trồng trọt, các hộ dân này đều thu nhập đạt 140-150 triệu đồng/năm.

Trước đây, chủ yếu các hộ sản xuất, kinh doanh độc lập nên khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng giờ đây nhiều hộ sản xuất giỏi đã góp phần hình thành nên các hợp tác xã và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tạo đầu ra ổn định hơn cho sản xuất. Cũng từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững mà năm 2021 đã xây dựng được 14 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã lên là 32 sản phẩm.

Các triệu phú nông dân ở Sa Pa tích cực phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, cây con giống cho nhân dân, tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Cùng với đó, tác động tích cực tới việc cải tạo môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo các thôn, bản vùng cao ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp.