Những toan tính cần thiết

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Campuchia. Trong bối cảnh các bộ môn bước vào giai đoạn tất bật nhất, huấn luyện viên Trương Minh Sang đã có những chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần về kế hoạch và mục tiêu của Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam trong kỳ Đại hội sắp tới. 
0:00 / 0:00
0:00
Huấn luyện viên Trương Minh Sang (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm cùng các học trò.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm cùng các học trò.

- Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32 của Đội tuyển Thể dục dụng cụ đang diễn ra thế nào, thưa ông?

- Dù thời gian chuẩn bị cho giải đấu còn rất ngắn, Đội tuyển Thể dục dụng cụ đang tập trung cao độ để chuẩn bị tốt cho SEA Games 32. Chúng tôi đã vạch ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể nhằm hướng tới từng giải đấu trong năm nay (như Giải Cúp thể dục dụng cụ thế giới 2023, Đại hội Thể dục-Thể thao Đông Nam Á hay ASIAD).

Ngoài việc tập trung cho từng giải đấu, Đội tuyển Thể dục dụng cụ cũng chú trọng đầu tư cho các vận động viên trọng điểm như Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Văn Vĩ Lương, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Nguyễn Văn Khánh Phong và Trịnh Hải Khang. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực rèn giũa thêm cho lứa trẻ kế cận. Hai lứa này sẽ có sự hỗ trợ và bổ trợ cần thiết cho nhau.

- Đội tuyển gặp phải những khó khăn gì trước kỳ SEA Games 32?

- Điều lệ ở SEA Games 32 có sự thay đổi. Giải đấu sắp tới ở Campuchia vẫn có tám nội dung, trong đó có đồng đội, toàn năng và sáu nội dung cá nhân. Tuy nhiên, ở các nội dung đơn môn, từ trước đến giờ mỗi quốc gia có thể có hai vận động viên giành quyền lọt vào chung kết, còn ở giải năm nay mỗi quốc gia chỉ được góp mặt duy nhất một cá nhân ở vòng đấu cuối cùng.

Khi đội tuyển có hai vận động viên giỏi cùng lọt vào chung kết đơn môn, nếu người này thi đấu không tốt thì cá nhân còn lại sẽ hỗ trợ, qua đó bảo đảm cơ hội cạnh tranh huy chương vàng. Dù vậy, đây là khó khăn chung đối với tất cả các nước. Khi mỗi đội tuyển chỉ có một vận động viên lọt vào vòng đấu cuối cùng, ai thể hiện tốt sẽ giành kết quả xứng đáng.

Ngoài ra, tại Giải Cúp Thể dục dụng cụ thế giới 2023 vừa qua, Carlos Yulo của Philippines đã thể hiện tốt. Đây là vận động viên đã tiến lên trình độ thế giới, với đẳng cấp rất cao. Ở sân chơi Đông Nam Á, Yulo cũng là đối thủ đáng gờm.

- Nhằm tích lũy điểm số để giành vé tham dự Olympic Paris 2024, Giải Cúp Thể dục dụng cụ thế giới 2023 quy tụ rất nhiều gương mặt mạnh. Ông đánh giá thế nào về màn trình diễn của các vận động viên Việt Nam tại sự kiện này?

- Việt Nam cử ba vận động viên tham dự Giải Cúp Thể dục dụng cụ thế giới 2023. Qua thông tin cập nhật và video thi đấu mới được gửi về, tôi đánh giá ba gương mặt trẻ Đặng Ngọc Xuân Thiện, Nguyễn Văn Khánh Phong và Trịnh Hải Khang đều tiến bộ so các năm trước. Họ thi đấu tự tin và thực hiện các bài thi tốt hơn rất nhiều. Như trường hợp của Khánh Phong, vận động viên này đã giành quyền lọt vào vòng chung kết khi tham dự giải đấu tầm cỡ thế giới. Dù kết thúc ở vị trí thứ tư, Phong chắc chắn đã tích lũy được kinh nghiệm, cũng như có thêm động lực và sự tự tin để bước tới các đấu trường quốc tế tiếp theo trong năm nay.

- Có ý kiến cho rằng, việc mắc phải các lỗi cá nhân là nguyên nhân khiến vận động viên Việt Nam hụt nhiều tấm huy chương một cách đáng tiếc. Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam có kế hoạch gì để khắc phục điểm yếu này, thưa ông?

- Ở SEA Games 31, Lê Thanh Tùng từng mắc lỗi, nhưng đó là do sự thay đổi về động tác. Yêu cầu trước đây của nội dung nhảy ngựa là hai lần thực hiện động tác quay, còn theo luật mới, vận động viên phải quay một lần và santo một lần. Đương nhiên, Tùng cũng cần thời gian hoàn thiện động tác và cải thiện các kỹ năng, qua đó từng bước rút kinh nghiệm và khắc phục thiếu sót. Những lỗi các vận động viên mắc phải ở kỳ Đại hội trước, chúng tôi đều phân tích, đánh giá và tổng hợp lại, để nhìn ra những gì chưa làm được, sau đó khắc phục tại SEA Games 32.

Trong quá trình tập luyện hướng tới kỳ Đại hội tại Campuchia, đối với mỗi nội dung, chúng tôi cũng chuẩn bị tối thiểu hai vận động viên thế mạnh nhằm tạo ra sự cạnh tranh, vừa bảo đảm trường hợp người này không thi đấu tốt sẽ có vận động viên khác sẵn sàng thế chỗ. Đơn cử như ở xà kép, chúng ta có Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng, còn ở nội dung nhảy ngựa có Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khánh Phong và Trịnh Hải Khang.

- Chỉ tiêu của Đội tuyển Thể dục dụng cụ tại SEA Games 32 là gì?

- Theo báo cáo của Ban huấn luyện Đội tuyển Thể dục dụng cụ với Tổng cục Thể dục-Thể thao, chúng tôi phấn đấu giành từ hai đến ba huy chương vàng ở SEA Games 32, tương tự chỉ tiêu đặt ra trong năm trước. Hiện tại, Ban huấn luyện đã lên kế hoạch cụ thể giúp từng cá nhân phát huy tối đa khả năng của mình ở các nội dung thế mạnh để cạnh tranh huy chương.

Thí dụ, với trình độ của Carlos Yulo, vận động viên này có thể giúp Đội tuyển Philippines giành từ năm tới sáu huy chương vàng. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt mục tiêu hướng tới huy chương vàng đồng đội và thêm một tới hai huy chương vàng nữa ở nội dung đơn môn (như vòng treo, xà kép...) - vốn là thế mạnh của các vận động viên Việt Nam với khả năng chiến thắng cao. Đây cũng là sự tính toán cần thiết để các vận động viên vừa cạnh tranh trực tiếp với Yulo, vừa bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

-Xin chân thành cảm ơn ông!