Điều này đã được thực tế chứng minh trong hai năm qua từ sau khi dịch Covid-19 dần bị đẩy lùi, kinh tế-xã hội hồi phục và bên cạnh các hoạt động ngoại giao, hợp tác, thu hút đầu tư từ nước ngoài, du lịch đã từng bước trở thành một sức hút đối với du khách quốc tế. Du lịch và du khách nước ngoài đã tạo nên hình ảnh thuyết phục và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.
Ngẫm sâu hơn, phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa vào để góp phần làm cho thêm sâu sắc, sang trọng, mới mẻ cho du lịch đã chứng minh cho tính đúng đắn của định hướng lớn nâng tầm văn hóa, khai thác sức mạnh văn hóa để phát triển kinh tế-xã hội. Nhìn rộng hơn câu chuyện du lịch là vấn đề làm cho văn hóa Việt Nam trở nên sức hút với bạn bè quốc tế. Phát huy ý nghĩa của đường lối ngoại giao Việt Nam, có thể thấy rằng, cùng với sự chủ động, linh hoạt, uyển chuyển trong thúc đẩy ngoại giao với các nước trên thế giới, thì thúc đẩy ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa, tăng cường giao lưu, hợp tác với bạn bè quốc tế ở ngay tại Việt Nam là một vấn đề rộng mở, thú vị, giàu tiềm năng. Chính ở đây, ý nghĩa, giá trị, sức hút của văn hóa trong đối ngoại, ngoại giao sẽ càng được phát huy mạnh mẽ, lâu bền.
Điều này được khích lệ nhiều hơn qua những tiềm năng to lớn đang có ở Việt Nam. Đó là rất đông đảo, đa dạng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở nước ta trong nhiều lĩnh vực: ngoại giao, hợp tác kinh tế, hoạt động xã hội, khoa học, giáo dục, y tế, hoạt động văn hóa, nghệ thuật… Đó là nguồn du khách quốc tế dồi dào ngày càng đến nhiều hơn các vùng miền, địa phương để trải nghiệm những mô hình du lịch văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, phải kể đến sự hiện diện phong phú với các hoạt động thường xuyên và hiệu quả của các trung tâm văn hóa, ngôn ngữ, quỹ văn hóa, nghệ thuật… từ nhiều nước tại Việt Nam.
Sự đông đảo, đa dạng, phong phú đó gợi mở cho chúng ta nhiều ý tưởng, chương trình, hành động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, khoa học, kinh tế, xã hội trên chính quê hương, đất nước mình. Bên cạnh các chính sách đối ngoại, ngoại giao quan trọng đã có, rất cần nghiên cứu phát triển những chính sách thuận lợi cho các hoạt động này trong không gian, địa bàn, môi trường văn hóa, xã hội ở trong nước. Ngành chủ quản về văn hóa-du lịch, các đơn vị nghiên cứu văn hóa, các địa chỉ bảo tồn-bảo tàng, các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức và đơn vị du lịch… nên là lực lượng tiên phong trong việc hiến kế về chính sách, cơ chế, thiết kế các mô hình phù hợp cho tiến trình hội nhập với thế giới bằng văn hóa ngay tại Việt Nam.
Những cuộc kết nối, cùng tạo dựng, xây đắp đời sống văn hóa giữa người dân Việt Nam với những người bạn nước ngoài ngay tại Việt Nam, sẽ thêm một sự phản chiếu sinh động tinh thần làm bạn, làm đối tác tin cậy của Việt Nam với thế giới. Tích cực đối ngoại, ngoại giao văn hóa ngay tại Việt Nam càng mở ra nhiều cánh cửa mời gọi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.
Đây sẽ là một trong những bước đi quan trọng để tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới.