Trong khi cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, đó là những cơ chế, chính sách mở đường, kỳ vọng mang tính đột phá. Thế nhưng trong thực tế, không đơn giản cứ có cơ chế đặc thù là giải quyết được tất cả. Đôi khi việc áp dụng cơ chế này giúp địa phương, đơn vị phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có thể làm cho chủ thể thụt lùi. Tìm ra một cơ chế đặc thù thích hợp nhất với địa phương hoặc đơn vị, rồi lại phải tìm cách áp dụng cho hợp lý luôn là câu hỏi đau đáu đối với bất cứ ai. Đó là chưa kể, quá trình thực hiện luôn cần sự tổng kết đánh giá để trở thành quy định có tính phổ quát chung, nhằm tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn.
Rất nhiều người đồng quan điểm với Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Sáng 10/8/2024, tại buổi làm việc của đoàn công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính và TP Hồ Chí Minh về kinh tế - xã hội và Nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nêu ra một thực trạng, dù có cơ chế đặc thù nhưng khi thực hiện vẫn luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để bảo đảm tính an toàn cho các cơ quan, bộ, ngành. Đây được coi là nguyên nhân chính của sự chậm trễ, cơ chế “đặc thù” nhưng khi áp dụng lại không thể “đặc thù”.
Đã từng có thời gian rất nhiều địa phương muốn xin cho mình cơ chế đặc thù. Chỉ tính riêng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Một đại biểu Quốc hội mới đây đã đặt câu hỏi, phải chăng do thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn, mất nhiều thời gian… nên rất nhiều nơi mới phải xin cơ chế đặc thù?
Từ việc xin được cơ chế riêng đến áp dụng thành công vào từng nơi còn rất nhiều câu chuyện phải bàn. Nhưng hiện tại không còn thời gian để dành cho "ngập ngừng". Đây chính là tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Suy nghĩ đã chín, tư tưởng đã thông, cơ chế đã có, phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, làm việc nào dứt điểm việc đó để lấy động lực, cảm hứng làm việc tiếp theo.