Những ngọn gió thổi ngược

Bà Nghê vân vê chiếc áo được tặng, vải còn nguyên nếp gấp và thơm mùi mới. Cười lộ cả hàm răng bị tụt lợi có mầu đen vì ăn trầu, mắt bà toát lên vẻ vui sướng như trẻ con.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Bao lâu rồi bà chưa có được một bộ quần áo lành lặn để mặc chứ đừng nói là còn mới và đẹp như thế này. Bà cẩn thận để chiếc áo lên trên chiếc váy lanh đã sờn rách, lập cập gấp lại rồi cho vào chiếc túi thổ cẩm để cất đi như một tài sản quý giá.

Đi xin nước về rửa thịt và nấu nướng, bà Nghê vun lại đống tro còn ẩm ướt vì cơn mưa đêm qua. Khó khăn lắm mới nhóm được cái bếp. Khói bắt đầu bốc lên từ cái lán dựng tạm bên chái căn nhà gỗ ọp ẹp. Lâu lắm rồi, không được ăn uống thỏa dạ, bà cũng gần như quên cả mùi vị của thịt. Đôi tay bà run run đảo đũa, các ngón tay quặt sang một bên, bệnh viêm khớp vẫn hành hạ thân thể bà đêm đêm.

Chợt thấy tủi phận mình quá đỗi, nước mắt bà Nghê rưng rưng, nhòe nhoẹt, hai tròng mắt mờ đục nhìn về xa xăm vô định. Then đã định buộc hồn vía cô gái xinh xắn con nhà giàu nhất bản với chàng trai mồ côi tứ cố vô thân. Bố mẹ cô gái cấm tiệt, không cho cô qua lại với kẻ nghèo khó kia. Trong một đêm mưa gió bão bùng, cô bỏ nhà cùng chàng trai trôi dạt tới mãi cuối trời Tây Bắc. Chọn nơi cánh đồng Mường Lự để sinh sống, có bàn tay chăm chỉ làm lụng là có tất cả thôi, Nghê đã tự an ủi mình như thế.

Cuộc sống không có điểm tựa, không đất làm nương, không ruộng trồng lúa thật sự rất khó khăn, chỉ có tài sản lớn nhất là tình yêu và sự tự do để hai vợ chồng bảo nhau vượt qua tất cả. Ba đứa con lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc. Ba lần chửa, ba lần sinh, ba lần Nghê vật lộn với cửa tử để trở về. Trộm vía, nhà chỉ ăn sắn với khoai, thi thoảng chồng Nghê đơm được ít cá suối, thế mà Nghê tốt sữa, đứa nào đứa nấy bụ bẫm, ăn ngoan, chơi ngoan, chẳng mấy khi ốm đau gì.

Khi đứa lớn lên năm, cũng là lúc làn sóng nghiện ngập tràn về mọi ngóc ngách của bản làng, nơi những con người thật thà chỉ biết đến ruộng đồng, nương núi. Nghê dần dà thấy thanh niên trai tráng nghiện, rủ nhau nghiện cho có đồng bọn, nhà cửa xơ xác hoang tàn, có bao nhiêu của nả, sức lực đã cống nạp hết cho “nàng Mai Thúy”. Nguồn cơn từ đâu? Nghê chẳng rõ lắm, nghe loáng thoáng là từ bãi vàng trở về, những kẻ đã quen với sự buông thả. Cả cái bản yếu dần rồi như chết đi, con trai thì nghiện, con gái thì chán nản bỏ đi tới các thành phố lớn, sau trở về cũng thân tàn ma dại. Nghê đã tới nhiều đám ma, người chết còn quá trẻ, nghe đâu bị ếch iếc, si đa gì đó, một căn bệnh lạ và đáng sợ.

*

Chồng Nghê không nghiện ma túy. Nhưng đó không phải là cái may của Nghê, bởi chồng Nghê chuyển sang nghiện rượu. Mọi gánh nặng đè lên vai Nghê, Nghê còn khổ hơn cả các bà vợ có chồng nghiện ma túy, chồng Nghê không chết ngay. Những nỗi đau đớn dai dẳng cứ hành hạ Nghê ngày ngày, vì tình nghĩa, Nghê không thể bỏ mặc chồng. Nghê càng chăm chỉ hơn, Nghê dậy từ lúc trời chưa sáng, về nhà lúc chập tối, không dám ngơi tay một lúc nào. Ngày mùa thì ở ngoài đồng, nông nhàn thì đi xúc cát thuê, đi bốc vác... Ai thuê gì làm nấy, không kể nặng nhọc.

Khéo thu vén, đi xúc cát, tranh thủ lúc nghỉ, Nghê đi dọc bờ suối kiếm củi khô; lúc làm cỏ ruộng về nhà thể nào cũng thêm bồ rau má, rau sam... Những ngày mưa gió không đi làm thuê làm mướn được, Nghê lên rừng đào măng, hái rau dớn, tìm hoa chuối rừng về bán. Nhưng chăm chỉ, khéo léo là thế mà nhà vẫn không đủ ăn. Nghê như cây gạo mọc cuối bản, lẻ loi oằn mình với gió sương và vết sẹo thời gian thì cứ hằn mãi lên người. Những đứa con lớn lên, chứng kiến cảnh bố say rượu mắng chửi mẹ ngày ngày, nhiều lần mẹ chúng bị bố vác dao rượt đuổi quanh xóm làng. Đến tuổi thanh niên thì chúng không nhịn nổi nữa, ba đứa dẫn nhau bỏ đi, từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, từ bỏ cả bố mẹ già để tìm tới chân trời mới, không ma túy, không rượu, không lời chửi mắng.

*

Trời chiều đổ ráng vàng ối như mầu tóp mỡ bà Nghê vừa rán. Củi ẩm ướt vì dính nước mưa, khói mờ hết cả đôi mắt vốn đã kèm nhèm vì tuổi tác. “Người biết già - rượu biết nhạt” * mà. Bà Nghê thái nhỏ những miếng bì lợn, chỗ này chắc phải ninh lại cho thật nhừ bà mới ăn nổi. Răng bà đã yếu lắm, dưới chân răng, những lỗ hổng đã hiện ra nhìn thấy rõ ràng, dù bà có ăn trầu đấy chứ, mà ăn lá trầu không thôi, không có vỏ cây, cũng chẳng có vôi. Chồng bà ra đi cũng vào một chiều trời buồn như thế này.

Rượu suốt ngày khiến cái lá gan của ông ấy không chịu nổi, nó xơ ra, sưng lên, nó hành hạ ông ấy mấy tháng trời, cả người ông ấy quắt lại, tái xám trừ cái bụng, trông như con ếch đang chửa, trông đến là khiếp. Mà đôi mắt lúc ông ấy sắp chết nó hoang dại, nó tha thiết đau đớn lắm. Bà Nghê đưa tay quệt ngang nước mắt. Ông ấy đau đớn vì bệnh tật, vì làm khổ bà hay vì dù sắp từ giã cõi đời mà không đứa con nào kề cận chăm sóc. Bà không hiểu nổi vì ông ấy chẳng thể nói nên lời nữa, ông ấy chết mà không nhắm nổi mắt.

Ba đứa con của bà Nghê được đi học đầy đủ, thậm chí học giỏi và có nghề nghiệp hẳn hoi tử tế nhờ người họ hàng đã thương tình nuôi nấng dạy dỗ chúng. Đáng lẽ ra bà nên mừng mới đúng. Chúng được đi học, đầu óc chúng thông minh, cái bụng chúng sáng láng, nhưng chúng như mất đi trí nhớ, chúng quên mất bố mẹ và nơi nghèo khó mà chúng được sinh ra. “Cây không róc thành gai; Người không thăm hỏi cũng thành người dưng” *. Bố chết, chúng về đưa ma rồi đi ngay. Có một lần bà ốm nằm liệt giường, người trong bản nhắn lên thì chỉ có vợ chồng thằng út đưa nhau về. Chúng về nói chuyện với mẹ được dăm câu, đứa con dâu đi chợ mua thức ăn sang nhà hàng xóm nấu nướng. Vợ chồng con cái ăn uống bù khú, chúc rượu nhau đến tận bên nhà bà còn nghe thấy. Chỉ tội bà lão nằm một mình trên giường đói khát, tủi hổ.

Ngày ngày bà Nghê vẫn nhặt rau má, rau sam ngoài ruộng đem bán ngay con đường lớn. Nhờ vậy mà bà cũng có đồng mua xà phòng, mắm muối; gạo thì đã có Nhà nước cho, sống được và phải tiếp tục sống dẫu đời có đắng cay lắm nỗi. Bà đâu dám trách ai, bà chỉ hận nỗi mình nghèo khổ quá, mà lòng người thì vô tình. Ba đứa con chỉ nhờ bà để được sinh ra, nuôi cho đủ lông cánh rồi bay đi tìm nơi đậu. Bà chỉ là cái vỏ. Bà không có con. Bà nghĩ vậy cho nguôi ngoai nỗi đau, biến nó thành vết sẹo chai lỳ, động vào chỉ thấy tê tê, không còn nhức nhối.

*

Trời oi bức thấy rõ, báo hiệu trước một cơn bão sẽ ập tới trong nay mai. Bà Nghê rùng mình nhìn căn nhà rách nát ọp ẹp. Một lỗ thủng to tướng ngay chỗ đầu giường bà nằm. Nhìn rõ cả trời xanh mây trắng, bà Nghê lẩm bẩm một mình. Tiếng gà con tìm mẹ lích chích dưới chân, đúng rồi, phải tìm chỗ cho đàn gà. Nghĩ là làm. Bà Nghê tìm một chỗ khô ráo nhất trong góc bếp, quây một ổ bằng bao, rơm và cả những tấm bìa nhỏ, tất cả những gì bà lượm lặt được cho đàn gà con chỗ trú. Nhìn cảnh đàn gà con rúc vào dưới cánh mẹ, bà nhớ đám con lúc nhỏ cũng ríu rít quanh mẹ mỗi khi trời mưa gió. Chúng cũng từng nhỏ bé và đáng yêu làm sao. Rồi đàn gà này sẽ lớn lên và rời bỏ bà mẹ già của chúng, bà mẹ gà cong chân bới đất tìm giun, xòe cánh ấp ủ con cái đến trụi cả lông. Bà Nghê ấm ức.

Trước một cơn bão trời thường yên ắng lạ thường. Bắt đầu sẽ là gió, cơn gió đầu nhẹ nhàng, mát mẻ, sau đó gió to dần cuốn tung những lá cây, những rác, những bụi mù mịt, những oi nồng của mấy ngày nắng trước đó. Mây ùn ùn kéo tới. Trời tối sầm. Chớp giật liên tục. Tiếng sấm nổ liên thanh đì đoàng. Gió quậy tưng bừng, quật gãy cành cây, hất tung mái nhà và nhiều thứ khác trong cơn thịnh nộ của đất trời. Căn nhà của bà Nghê như đứa trẻ nhỏ, run sợ trước cơn bão lớn. Mỗi đợt gió tới, cảm tưởng như cả bà cũng sẽ bị gió cuốn bay lên cao cùng căn nhà. Mưa rơi lộp độp, mưa bị gió thổi chao nghiêng vào mặt bà Nghê ran rát. Một tiếng sấm nổ, một thanh sét chói lòa từ trên trời giáng xuống cây gạo. Uỳnh uỳnh. Bà Nghê thót tim sợ hãi. Bà lao đi trong cơn mưa.

Bão tan. Sáng hôm sau, người hàng xóm cho bà Nghê trú nhờ báo tin cho bà Nghê căn nhà của bà đã sập xuống hoàn toàn. Kỳ lạ là đàn gà không bị sao. Trong đêm mưa bão, chắc con gà mẹ tìm chỗ trú ẩn an toàn cho đàn con rồi sáng mới trở về. Linh cảm của một người mẹ, bà Nghê lại lẩm bẩm. Người hàng xóm tốt bụng lại thông tin cho bà, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây nhà cho những người neo đơn như bà. Không nói được gì, bà cười mà nước mắt cứ chảy mãi trên khuôn mặt già nua.

* Tục ngữ Thái