Những đôi mắt gọi về thương mến

Tại sao mới ra mắt độc giả đầu năm 2023, tiểu thuyết “Những đôi mắt khoảng trời” (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Đào Quốc Vịnh lại được nhiều người tìm đọc? Tôi nghĩ, tất cả đều có lý do của nó.
0:00 / 0:00
0:00
Những đôi mắt gọi về thương mến

Đây là tác phẩm chân thực, sinh động, hấp dẫn khi cho bao người đọc tìm lại bóng dáng cuộc đời mình, tâm hồn mình. Với cách kể chuyện giản dị, chân thực, tác phẩm được kết cấu với 9 sự kiện được “xâu chuỗi” trong quãng đời đi học của nhân vật Khang, từ lúc vào học lớp Vỡ lòng đến khi vào học cấp 3 với bao biến cố. Bên cạnh những chi tiết nghệ thuật đau buồn, chúng ta vẫn gặp bao chi tiết thấm đẫm chất thơ, bay bổng đôi cánh lãng mạn, tạo được mỹ cảm. Đó là hình ảnh và tâm trạng của Khang ngày đầu tiên tới lớp, nhà văn không miêu tả tỉ mỉ một cách trực tiếp, chỉ gợi tả qua cảm nhận của Khang về mầu sắc, mùi vị của chiếc bàn học, trong lần tiếp xúc đầu tiên: “…Chiếc bàn còn mới được đóng bằng thứ gỗ gì đó ngả mùi hăng hắc như mùi hoa xoan cuối xuân rụng tím góc sân nhà tôi tỏa ra trong mưa xuân giăng bụi trắng đục, giống như một chiếc khăn voan mầu trắng ngà mỏng tang phủ vắt ngang từ cây xoan đào to một người ôm xuống tận góc sân, giáp ngay rặng cúc tần vàng xuộm”.

Còn có những chi tiết ngộ nghĩnh, hài hước phù hợp tâm lý và cá tính của lứa tuổi học trò hiếu động, thích thể hiện “cái tôi”, hiếu thắng của một thời: Khang tắm ao bị giấu mất quần áo phải ngâm mình dưới nước; thành lập “Đội chiếu bóng của lũ trẻ, bán vé bằng ngô, khoai; do nhầm lẫn đã làm bẫy đổ cả thúng gio lên đầu thầy giáo… Bao người tốt cùng sự thanh lọc kỳ diệu của văn học đã giúp Khang vượt qua hoàn cảnh thôn quê thiếu thốn, vượt qua những tật xấu trong chính mình để vươn lên thành con ngoan trò giỏi.

Trong tác phẩm, hình ảnh “đôi mắt” xuất hiện trở đi, trở lại tới 17 lần, trở thành một biểu tượng nghệ thuật ám ảnh. Nó phản ánh tâm trạng của nhân vật trong những hoàn cảnh cụ thể và gợi tả về thân phận của nhân vật ấy. Đó là đôi mắt mơ mộng của bạn Yến nhìn ra cửa sổ trong lớp học cùng Khang; đôi mắt của anh Phê hiểu biết, vị tha khi Khang mắc lỗi; đôi mắt nghiêm khắc và chờ đợi sự tiến bộ từ Khang của thầy Hiệt; đôi mắt mừng vui của bà ngoại khi Khang vào học cấp 3… Đặc biệt, có hình ảnh đôi mắt của một số nhân vật được lặp lại nhiều lần, biểu hiện sự chuyển đổi tâm thế từ đau buồn đến hạnh phúc, khi dõi theo sự trưởng thành của Khang. Đó là đôi mắt người cha, đôi mắt của mẹ; đôi mắt thầy Năm khi còn sống và trong di ảnh của một người liệt sĩ; đôi mắt của bác Bào gắn với thân phận xa quê và nỗi nhớ cố hương… Đặc biệt nhất, đôi mắt của nhân vật Khuê được điệp lại tới ba lần, lúc xa cách, lúc lo lắng, lúc mừng vui… Phải chăng “tình yêu” thuở học trò có sức ám gợi lâu bền nhất?

Trong “Những đôi mắt khoảng trời”, những chi tiết chân thật, sống động, những tình huống giàu kịch tính, mỗi nhân vật dù được khắc họa kỹ lưỡng hay sơ lược, đều được cá thể hóa sắc nét bằng một “nét vẽ” đặc sắc cho ngoại hình hay nội tâm… Độc giả thuộc các thế hệ khác nhau sẽ tìm thấy hình bóng cuộc đời, tâm hồn mình trong đó.