Những chiến sĩ không mặc áo lính

NDO - Giải phóng Thủ đô, các đoàn quân hùng dũng tiến về Hà Nội, kết thúc chín năm trường kỳ kháng chiến. Ðóng góp vào chiến công chung của quân và dân ta, không thể không kể đến những chiến công thầm lặng của những người lính quân báo trong mặt trận Hà Nội.

Không mặc áo lính, hoạt động đơn tuyến độc lập, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, thậm chí phải chịu cả điều tiếng là 'Việt gian bán nước', nhưng chúng tôi vẫn chịu đựng, vẫn kiên cường để hoàn thành nhiệm vụ...

Ngày 19-12-1946, tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cầm chân giặc để Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, các lực lượng vũ trang một bộ phận hành quân lên chiến khu, một bộ phận được lệnh tạm thời rút sang các tỉnh Phúc Yên, Hà Ðông, Sơn Tây.

Ðồng chí Vỵ Hải, Thành đội trưởng gọi đồng chí Ðoàn Văn Luận (tức Kỳ Sơn) và chị Nguyễn Thị Thuần lên giao nhiệm vụ quay lại nội thành, điều tra tình hình địch. Ðây là những đồng chí đầu tiên làm nhiệm vụ tình báo quân sự mặt trận Hà Nội.

Ðến 1951, đồng chí Trần Vỹ, Cục trưởng Cục dân quân về làm chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn làm chính ủy mặt trận. Ðồng chí Trần Vỹ chỉ đạo phải tổ chức một lực lượng gồm những đồng chí trung kiên, có bản lĩnh chính trị, nhanh nhẹn, khôn khéo, am hiểu địa bàn Thủ đô để hoạt động quân báo, mang cả tính chất điệp báo. Lực lượng này có 47 đồng chí, mật danh là 'Ðại đội 19' do đồng chí Phùng Hiền (tức Phùng Thanh Sơn) làm trưởng ban, đồng chí Thế Dân (tức Ðỗ) và đồng chí Lê Vân (tức Thanh Quân) làm phó ban, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Vỹ.

Nhận nhiệm vụ, chúng tôi vui mừng, háo hức vì được quay lại Thủ đô. Nhưng bên cạnh đó cũng là tâm trạng hồi hộp, lo lắng, vì đây là một nhiệm vụ mới, phải ẩn mình, giấu mặt; phải biết kiềm chế tâm tư tình cảm; tuyệt đối không được manh động trước quân thù.

Sau khi được tập trung để dự một lớp đào tạo nghiệp vụ do đồng chí Nghĩa, Cục trưởng Cục tình báo Quân sự trung ương (Cục 2) phụ trách, chúng tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Lớp huấn luyện công tác địch tình (tình báo sơ giản) và năm bước công tác cách mạng (điều tra tuyên truyền - tổ chức - huấn luyện và đấu tranh). Anh Phạm Lan nhớ lại sau khóa học, đồng chí Hoàng Sâm, Tư lệnh Quân khu III đến thăm và huấn thị: 'Các đồng chí vào sâu trong vùng địch tạm chiếm như một đội quân nhảy dù mà không có bạn quân, chung quanh đều là địch. Các đồng chí chiến đấu không có vũ khí, mà bằng sự trung thành, lòng quả cảm, mưu trí ngoan cường. Các đồng chí phải bám lấy dân, dựa vào dân mà hoạt động. Nếu không may bị địch bắt thì phải giữ vững khí tiết của người quân nhân cách mạng...'.

Quán triệt tư tưởng và nhiệm vụ, chúng tôi chia nhỏ thành nhiều tốp, theo gia đình hồi cư trong vai vợ chồng hờ, học sinh sinh viên, công chức thợ thuyền... Giấy tờ tùy thân thì đã có đồng chí Trần Hoài Ðức (tức Ðức 'điếc') làm giả.

Do hoạt động đơn tuyến, nên mỗi 'dây' chỉ có từ ba đến bốn người, một đồng chí làm nhiệm vụ giao liên. Tên gọi đều có số hiệu hoặc mật danh, mỗi đồng chí chỉ biết mặt cấp trên trực tiếp của mình, để khi bị lộ thì tránh 'rút dây động rừng'. Trong ba đồng chí trưởng, phó ban Quân báo mặt trận Hà Nội, mỗi đồng chí trực tiếp chỉ huy một số 'dây' được phân công, khoảng chừng 20 - 22 đồng chí. Thư từ hồi đó chưa có giấy bảo mật mà viết bằng nước cơm trên tờ báo Le Figaro của Pháp, hoặc việt bằng nước quả chanh trên giấy pơ-luya. Những tờ giấy này được quy ước tờ X trong thếp giấy. Các đồng chí giao liên có nhiệm vụ chuyển ra vùng tự do, để Ban quân báo mặt trận Hà Nội tổng hợp phân tích đánh giá... Báo cáo lên đồng chí Vỹ và đồng chí Nghĩa; đồng thời báo cáo thẳng lên Ðại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo mã số riêng và vào một giờ nhất định.

Hà Nội sau ngày giặc tạm chiếm, lòng dân vẫn hướng về Ðảng, về Chính phủ Cụ Hồ. Ðể giữ được không khí ấy, lực lượng quân báo mặt trận Hà Nội đã đóng góp nhiều thông tin quan trọng cho 'đội quân ngầm', vận động nhân dân bất hợp tác với địch. Cuối năm 1949, tên bù nhìn Bảo Ðại 'kinh lý' Bắc kỳ, đồng chí Phạm Lan tổ chức đặt VIV2 'bom bay' ở hồ Giám phía Văn Chương bắn vào Phủ Toàn quyền địch, tiêu diệt một số tên ngự lâm quân; đặt súng cối trên đê La Thành, trước cửa đình Kim Liên trấn nam phương bắn liên tục vào Nhà máy rượu, Nhà máy diêm nơi giặc đóng quân làm Bảo Ðại rất hoảng sợ, phải rút ngắn thời gian kinh lý. Giữa Tháp Rùa hồ Gươm, hồ Giám, lá cờ đỏ sao vàng tung bay làm những người dân Hà Nội thêm phấn chấn, tin tưởng một ngày không xa, Chính phủ Cụ Hồ sẽ trở lại Thủ đô yêu dấu.

Bên cạnh đó, lực lượng quân báo mặt trận Hà Nội còn tham gia tổ chức nhiều vụ cướp tù tại các bệnh viện, do các đồng chí này cáo bệnh phải đưa ra nhà thương để điều trị. Như trường hợp giải thoát đồng chí Lê Nghĩa, đồng chí Nghiêm Cao, đồng chí Phạm Lan tại Nhà thương Phủ Doãn và Bệnh viện Bạch Mai. Táo bạo hơn, khi đồng chí Lê Vân, Trần Bi bị bắt ở sân bay Gia Lâm, lúc trốn khỏi nơi này đã tổ chức đóng giả địch, lái xe GMC vào sân bay cứu thoát một đoàn tù binh. Những chiến công táo bạo của quân báo mặt trận Hà Nội đã làm chấn động Hà Nội và nước Pháp, làm nức lòng quân và dân ta trên các chiến trường.

Tháng 11-1953, Pháp nhảy dù xuống cứ điểm Ðiện Biên Phủ hòng hút chủ lực của ta đánh một trận phân thua thắng bại với chúng. Trung ương Ðảng chỉ thị cho Hà Nội bằng mọi cách phải làm giảm sức mạnh về không quân của địch. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng mặt trận Hà Nội, trong đó có lực lượng quân báo.

Theo kế hoạch, thuốc nổ đã được đưa vào nội thành. Nơi đặt thuốc nổ là Câu lạc bộ sĩ quan Không quân của Pháp tại 40 phố Quang Trung, Hà Nội. Nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và nguy hiểm được giao cho chị Vợi (tức Thanh) và chị Huệ (biệt danh Huệ 'người đẹp'), chiến sĩ quân báo mặt trận Hà Nội. Hai chị trong vai tiểu thương gánh hàng mắm tôm đi qua nhiều tuyến phố. Tới gần điểm tập kết, bỗng xuất hiện hai tên lính Tây đen chặn đường hai chị lại. Một thoáng bối rối trên gương mặt chị Vợi, các đồng chí đi bảo vệ cũng rất căng thẳng, đạn lên nòng để sẵn sàng bảo vệ đồng đội. Chị Huệ nháy mắt làm hiệu với chị Vợi như muốn nói: 'Cứ bình tĩnh, yên tâm' rồi nở một nụ cười duyên rất tươi với hai tên lính Tây đen. Thì ra, thấy chị Huệ xinh gái, hai tên Tây đen chỉ xán lại để tán tỉnh. Trong lúc chúng đang khua chân, múa tay với người đẹp, thì chị Vợi đã kịp thời gánh hàng vượt trạm kiểm soát. Nhưng thật không may, quả bom tự chế với 25 kg thuốc nổ được kích hoạt đã không nổ, nếu không 180 tên giặc đã về chầu âm phủ.

Với quyết tâm làm suy yếu không quân địch, quân báo mặt trận Hà Nội đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng như ảnh, sơ đồ để đơn vị được giao nhiệm vụ đánh Sân bay Bạch Mai, Gia Lâm, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ thắng lợi giòn rã, thực dân Pháp chịu ngồi vào vòng đàm phán trên thế thua. Lúc này, nhiệm vụ được cấp trên giao cho lực lượng quân báo mặt trận Hà Nội là theo dõi di biến động các vị trí Pháp đóng quân, nhằm phục vụ cho Hội nghị quân sự Trung Giã, đồng thời theo dõi, bảo vệ các cơ sở quan trọng của Hà Nội sau khi giặc rút khỏi Thủ đô, đặc biệt là Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy nước Yên Phụ...

Ngày chiến thắng đang tới gần, lực lượng quân báo mặt trận Hà Nội được giao hai nhiệm vụ: Chuẩn bị năm xe ô-tô dẫn đường năm cánh quân vào tiếp quản các vị trí của địch; đồng thời theo dõi chặt chẽ những tên sĩ quan ngụy, mật thám chỉ điểm, phòng nhì của Pháp cài cắm lại Hà Nội, có kế hoạch trấn áp chúng, không để chúng hoạt động chống phá, gây rối, bảo đảm an ninh tuyệt đối cho ngày tiếp quản Thủ đô. Ðặc biệt là công tác bảo vệ lễ mừng Bác Hồ và Chính phủ về Thủ đô.

Chiến thắng bao giờ cũng là niềm sung sướng tột cùng, nhất là với những người đã chia ngọt, sẻ bùi, hy sinh gian khổ để làm nên chiến thắng ấy. Song, cũng có những người, giờ phút chiến thắng lại là giờ phút buồn tủi đối với họ. Anh Nguyễn Văn Thản là cơ sở của quân báo mặt trận Hà Nội, hoạt động trong hàng ngũ địch. Nhiệm vụ của anh là moi tin từ nội bộ địch rồi gửi thông tin qua người em ruột là Nguyễn Phúc Nghị chiến sĩ quân báo lên cấp trên. Với vỏ bọc là quan ba lính ngụy, anh đã nhiều lần lái xe Jeep đưa chị giao liên Lương Thị Lan vượt qua nhiều đồn, bốt địch. Ngày tiếp quản, tưởng anh là sĩ quan ngụy, chính quyền đã đưa anh Thản đi tập trung giáo dục cải tạo. Nghe tin, anh Trần Kiên, cán bộ chỉ huy đường dây đơn tuyến của anh Thản tìm đến nơi anh Thản đang học tập để minh oan, nhưng không được nên lòng buồn nặng trĩu... Không bỏ cuộc, anh Kiên đôn đáo gõ cửa khắp nơi. Gần tám năm trời, đơn từ của các anh đã đến tay Hồ Chủ tịch. Ngay lập tức, Bác Hồ đã bút phê vào đơn hai chữ 'Thả ngay' và minh oan cho anh Nguyễn Văn Thản.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những thanh niên Thủ đô trong đội ngũ quân báo tình báo mặt trận Hà Nội (D172 - F350) đến nay đều đã có tuổi. Nhưng điều vui mừng là chúng tôi đã có một ban liên lạc, định kỳ gặp mặt để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mỗi lần gặp mặt, chúng tôi lại kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về tuổi trẻ, về những năm tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm với nhiều kỷ niệm xúc động không thể nào quên...