Những câu văn khiến người ta “tâm trạng”

Là cây bút quen thuộc trên các mặt báo, mới đây, nhà văn Tống Phước Bảo gửi đến bạn đọc tập truyện ngắn “Hỗn Kỳ Đài” (NXB Hội nhà văn) bằng những tìm tòi sáng tạo từ đời sống. “Hỗn Kỳ Đài” gồm những truyện ngắn viết về đất Sài thành, về người ở Sài Gòn, cả người bản xứ sinh sống lẫn dân tứ chiếng quá giang đoạn đời với mảnh đất này.
0:00 / 0:00
0:00
Những câu văn khiến người ta “tâm trạng”

Tống Phước Bảo từng định danh với phong cách viết đậm chất Nam Bộ, chẳng dụng công khoe kỹ thuật lắt léo, trúc trắc; chỉ bằng thứ ngôn từ giản dị mà dạt dào cảm xúc, với cách thể nghiệm cốt truyện, hành văn mang sắc thái đặc trưng của những con người gắn chặt đời mình với miền đất phương nam. Điều đó vẫn là những yếu tố được tác giả trung thành chọn lựa và khám phá ra các chất liệu điển hình, thể hiện thông điệp đích đến về tình đời, tình người. “Thiệt tình, Sài Gòn hổng có gì hết trơn! Chỉ có cái tình mà ôm người ta vào lòng, dung dưỡng trọn vẹn cuộc đời con người ta, trên mảnh đất này!” (trích lời mở đầu sách).

Ngòi bút của Tống Phước Bảo rất tài tình trong việc xây dựng những hình ảnh nhân vật, có tính nhân văn mà không hề phô trương hay sắp đặt lộ liễu; không bị sa đà vào cái bẫy của thương cảm, không che giấu những bất hạnh, khuất tất, cam chịu của kiếp người. Đổi lại, các nhân vật trong tác phẩm mang tinh thần kiên định, không để mất danh dự, nhân phẩm vì những giằng xé, khổ ải hay những bất công... Họ được sống với những nỗi niềm suy tư và hành động theo tiếng mình, để mà phản ánh, để mà trả lời. Mỗi tuyến nhân vật bằng cách này hay cách khác được ngòi bút của tác giả làm cho ấm sáng lên, bởi sự liên đới giữa tình người, tình đời, dẫu cuộc sống có muôn vàn thách đố, truân chuyên... Văn của Tống Phước Bảo dễ khiến người ta “tâm trạng”, vì chuyên chở ăm ắp những tấm lòng, tâm tư day dứt, tiếc nuối, nhưng vẫn chứa chan hy vọng.

Đó là niềm tin sống đoan chính của Thuần và Quyên, họ không còn là những kẻ đơn lẻ giữa dòng đời đa đoan, “vì con người ta luôn cần tin nhau mà sống”. Đó là niềm tin chiến thắng được âm thầm ủ ấp từ trong ý chí quật cường của con người nơi đảo muối Thiềng Liềng luôn phải “chạy như là để sống”. Đó là sự tha thứ cuối cùng để mở ra kết cục “lòng người sáng nhất, chính là lòng phải bằng an” từ truyện ngắn chủ đề “Hỗn Kỳ Đài”. Hay giữa dòng đời trăm vạn nẻo đường, giữa người với người bao triệu dân thì “chỉ có tình người mới đọng lại mãi trong lòng” được truyền tải xúc động qua những truyện ngắn được viết từ tâm của đại dịch đã lắng qua. Hay những truyện ngắn với tinh thần trẻ, viết về “cuộc đời này sẽ có những cánh cửa để chúng ta tự mở”, “trái tim cũng chỉ biết trao trọn cho một người”…

Mỗi tác phẩm tự có sứ mệnh riêng. Mỗi tác giả tự có bạn đọc của mình. Cốt lõi, văn chương có thể chuyên chở được thông điệp gì từ cách viết lách đó. Văn chương vốn không có giới hạn, vì thế càng cho phép độc giả cảm nhận được tính đời sống của nó giữa con người. Tập truyện ngắn “Hỗn Kỳ Đài” là một câu trả lời cho sự đòi hỏi mới mẻ về những giá trị của văn chương giữa đời.