Nhớ mùa xuân hòa bình đầu tiên

Trong vô vàn hình ảnh người Hà Nội đón xuân Quý Sửu 1973, lay động lòng tôi và thức dậy bao kỷ niệm, chính là hình ảnh quầy hoa tươi ven hồ Gươm với dáng áo dài dịu dàng và mái tóc cặp trễ buông chấm eo thon của các cô gái Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00

Sau hai lần sơ tán để chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, xuân 1973 mới thật sự là mùa xuân Hòa Bình. Những hố bom sâu hoắm ở phố Khâm Thiên và các khu tập thể An Dương, Dệt 8/3, Mai Hương, Tân Mai…, các làng Uy Nỗ, Cổ Loa… đang được san lấp. Những căn nhà đơn sơ dựng tạm bằng giấy dầu sáng ánh đèn điện trong bữa cơm đoàn tụ gia đình, không phải khum khum giấy che bớt ánh sáng đèn dầu tù mù, không lo giặc thả bom mẹ, bom bi… Xuân này, khi tất cả đã lắng lại, an nhiên xem hình ảnh những phi công Mỹ ngồi trong “khách sạn Hin-tơn” viết thư cho gia đình tại gian trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng”, thấy thương vợ con họ xa nửa vòng trái đất. Nhìn những gương mặt khách du lịch đến từ châu Âu, châu Á… đang chăm chú xem ảnh học sinh ngồi tránh bom dưới hầm, dâng lên trong tôi bao xúc cảm và nhớ lại…

Ngày 28/1/1973, nghe được tin tức qua cái ga len “ăn” pin của ông tôi. “Hòa bình rồi!”. Tôi reo lên vỗ tay, nhảy lò cò quanh sân. Hòa bình, nghĩa là chúng tôi không phải xách đèn dầu đi học đêm, không phải đội mũ rơm, không phải chui xuống hầm lép nhép bùn dưới chân. Hòa bình, nghĩa là được về nhà mình với mẹ! Mẹ đã về quê đón chị em tôi ra Hà Nội. Những con đò bến Khuyến Lương mải miết chở hành khách qua lại trên sông trong nắng xuân lấp lánh; niềm vui ánh lên trong mắt mỗi người. Chúng tôi như chim ríu rít từ các làng quê ùa về thành phố, trở lại trường học. Từ khu tập thể Dệt 8/3 ra Mai Hương, hoặc Minh Khai, xuôi xuống Trương Định, học nhờ trường cấp II; đâu đâu tôi cũng thấy các đội xây dựng đang xây sửa lại những dãy nhà bị bom địch phá cho bà con kịp ăn Tết. Vậy mà gương mặt ai cũng rạng ngời. Chủ nhật, tôi rủ Tâm ra đầu ngõ Mai Hương mua củi, nhưng rồi nghe tiếng leng keng giòn giã quá, đã vui chân trèo lên tàu điện đi bát phố Bờ Hồ. Đập vào mắt chúng tôi, là quầy bán hoa tươi Bờ Hồ (naylà địa điểm gắn chiếc đồng hồ Thụy Sĩ tặng). Lay ơn, thược dược, cúc đại đóa… chưa bao giờ tôi thấy tươi đẹp như thế, nhưng nhiều nhất vẫn là lay ơn của làng hoa Ngọc Hà và Nghi Tàm, bông to, cánh mướt như nhung.

Viết đến đây, lại nhớ năm 2010, tôi được nghệ nhân trồng hoa của làng Nghi Tàm, cụ Lê Hữu Quyết kể: Bom đạn xé trời, nhưng cụ nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua khu đội Ba Đình: phải giữ bằng được vườn hoa của nhà cụ; hằng ngày cung cấp cho một số đại sứ quán và cùng bà con Ngọc Hà đưa hoa ra quầy Bờ Hồ để cho các nhà báo nước ngoài thấy, người Hà Nội đánh Mỹ, nhưng không bao giờ thiếu hoa tươi. Hà Nội anh hùng và hào hoa, yêu hòa bình là thế đấy cháu à. Còn nhà văn Nguyễn Tuân, trong mùa xuân ấy, dạo ra quầy hoa, cụ đã kể lại: “Bà Linh, vẫn tổ hoa Bờ Hồ, khoe luôn rằng: Sau cái trận B-52, hoa không nở kịp để bán”.

Cha ông chúng ta đã sống và chiến đấu cho hòa bình nhân loại như thế đó! Và xuân ấy, vẳng trong gió xuân hây hẩy, tiếng còi tàu lanh lảnh một hồi dài, báo tin vui cho muôn nhà. Ga Hà Nội bị Mỹ đánh bom đã sửa xong, tàu đi ngược về xuôi chở mọi người về với miền nhớ - miền yêu thương, cho tay nắm tay truyền lửa ấm, xây dựng nước non ta!