Nhìn sâu vào "những vết thương"

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khoảng 400 nhà khoa học và chuyên gia khí hậu bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Chính phủ Mỹ, về việc xem xét lại một tham số quan trọng trong khâu ước tính thiệt hại từ biến đổi khí hậu. Khi những tổn thất mà tiến trình này gây ra ngày càng trở nên trầm trọng, các kết cấu kinh tế-xã hội cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn, đầu tiên là từ sự thay đổi cách đánh giá thiệt hại chi tiết và chuẩn xác hơn.
0:00 / 0:00
0:00

NGÀY 13/2, Hiệp hội các nhà khoa học liên quan (UCS) đã công bố bức thư ngỏ với chữ ký của 400 chuyên gia, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín, tin tưởng rằng những hậu quả nghiêm trọng và tốn kém của cuộc khủng hoảng khí hậu đang xảy ra ở khắp nơi sẽ ngày càng tồi tệ, khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng.

Và bởi vậy, các nhà khoa học kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa ra các chính sách quốc gia phản ánh đúng thực tế. Trước đây, hồi tháng 11/2022, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra đề xuất: Nâng ước tính thiệt hại trên một tấn CO2 từ mức 51USD hiện nay lên 190USD.

Nhưng ngay cả với con số mới ấy, giới chuyên môn vẫn cho rằng đề xuất đó vẫn chưa phản ánh đúng mức thiệt hại thực tế do biến đổi khí hậu gây ra.

NÓI ngắn gọn, tham số đang được cân nhắc điều chỉnh là giá trị quy ra tiền mặt của những "vết thương", những tổn hại do biến đổi khí hậu tính trên một tấn CO2. Tại Mỹ, tham số trên, nhiều năm qua, đã được sử dụng làm cơ sở phân tích chi phí và lợi ích trong mọi lĩnh vực. Sâu xa hơn, việc tính toán số liệu này cũng liên quan các yếu tố cần được dự đoán, như dịch bệnh và tử vong vì các đợt sóng nhiệt trong tương lai, ô nhiễm bụi mịn, các thảm họa thiên nhiên, sự suy giảm sản lượng nông nghiệp, sự gián đoạn các hệ thống năng lượng, cũng như dự báo về xung đột, bạo lực và di cư hàng loạt.

Theo EPA, cách thống kê được áp dụng hiện nay còn chưa tính đến những chi phí khó định lượng như tác động về hệ sinh thái và di sản văn hóa, cũng chưa tính đến các hiện tượng khí hậu có nguy cơ xảy ra (như băng tan dẫn tới mực nước biển dâng).

Tuy vậy, mục tiêu đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng tới là việc khôi phục chỉ số chi phí xã hội do ảnh hưởng của khí thải carbon, sau khi chỉ số này bị đưa về mức danh nghĩa dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống.

Nếu sự điều chỉnh này được thực hiện, theo giới chuyên môn, các nhà quản lý sẽ có cơ sở chuẩn xác hơn để đánh giá và nhận định tình hình. Trong khi đó, như một lẽ tất yếu, những nhóm khó khăn hơn trong xã hội Mỹ cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn, để nhận được những sự hỗ trợ cần thiết.

Và dù muốn dù không, bởi nước Mỹ vẫn là một hình mẫu của thế giới hiện đại, đề xuất này rất đáng được xem là một kênh tham chiếu quan trọng, đối với cộng đồng quốc tế.

TUY nhiên, tính khả thi của đề xuất ấy lại vẫn còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, ông đã nhận được không ít sự ủng hộ từ dư luận trong nước. Lý do chủ yếu không chỉ là vì thỏa thuận ấy mang đến cho nước Mỹ quá nhiều "thiệt thòi", như cách nhìn nhận của ông Trump, mà còn vì một câu chuyện cốt lõi chưa từng thay đổi: Giảm khí thải, thực tế, cũng đồng nghĩa với giảm sản lượng công nghiệp, nghĩa là ảnh hưởng trực tiếp đến các số liệu tăng trưởng.

Đến lúc này, đề xuất của chính phủ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden hiển nhiên là hướng đến lợi ích chung nhiều hơn (và cũng sẽ hứa hẹn đem lại cho đảng Dân chủ nhiều phiếu bầu hơn, từ các giai tầng thấp hơn trong xã hội Mỹ, ở cuộc bầu cử cuối năm 2024).

Song, để thuyết phục được phe đối lập, và tạo nên một sự đồng thuận cần thiết nhằm cụ thể hóa đề xuất thành hành động, thì có lẽ họ lại phải trả lời được các câu hỏi: Khi những tổn hại được tính toán lại và mang giá trị tài chính tăng vọt so với trước đây, thì ngân sách cho việc khắc phục các thiệt hại sẽ lấy từ nguồn nào? Và nhu cầu về các gói tài chính hỗ trợ ấy có "xung khắc" với mục tiêu giảm phát thải mà Washington đang đặt ra hay không?