Nhiều thách thức cho mục tiêu thu ngân sách năm

4 tháng đầu năm các chỉ số kinh tế trụ cột giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành mục tiêu thu ngân sách 1.620,7 nghìn tỷ cả năm.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Ảnh | TC Tài chính
Xuất khẩu giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Ảnh | TC Tài chính

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm tới 15,4%.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất siêu sang các thị trường chính cũng sụt giảm mạnh như xuất siêu sang Mỹ ước đạt 24,4 tỷ USD, giảm tới 23,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, giảm 12,7%. Bên cạnh đó, xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD trong khi cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD...

Xuất khẩu suy giảm ở phần lớn mặt hàng chủ lực do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh tại các thị trường lớn nhất của Việt Nam (chiếm tới 91% tổng giá trị xuất khẩu năm vừa qua) như: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu...

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê kinh tế, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ở các nước chững lại và giảm bớt do lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước chậm dần. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2023.

Được biết, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 tương đương 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán năm và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chi thường xuyên 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 110,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% và tăng 15,6%; chi trả nợ lãi 34 nghìn tỷ đồng, bằng 33%.

Nhiều khoản thu trọng yếu đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân... Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản, ô-tô, chứng khoán... Thu từ dầu thô tháng 4 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2% dự toán năm và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng, các khó khăn của nền kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh các chính sách giảm thuế tiếp tục được nghiên cứu ban hành nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong giai đoạn trước như: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm 2023 khoảng 38 nghìn tỷ đồng; đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 35 nghìn tỷ đồng...

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023 khoảng 110 nghìn tỷ đồng; trong đó, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng với quy mô khoảng trên 50.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 42.000 tỷ đồng...

Cũng theo dự báo của các giới phân tích, giá trị nhập khẩu khó có thể cải thiện rõ rệt trong quý II/2023, do lãi suất cao và điều kiện tài chính thắt chặt toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến việc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, triển vọng các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ và châu Âu chiếm gần 50% tổng xuất khẩu của Việt Nam khá ảm đạm, dẫn đến mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể hạ xuống âm 2% so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6%. Điều này gây thách thức không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm...

Ngành tài chính nỗ lực tìm các giải pháp ứng phó

Tại cuộc họp giao ban công tác quý I-2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cơ quan thuế, hải quan cần bám sát tình hình của doanh nghiệp để có phương án tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành chính sách tài khóa.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết ngành Thuế sẽ chủ động rà soát lại toàn bộ nguồn thu để giao nhiệm vụ thu năm 2023 cho các đơn vị sát với thực tế. Cùng với đó, ngành Thuế triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Được biết, ngành thuế dự kiến tập trung vào việc tăng cường triển khai các giải pháp về công tác kê khai thuế, hoàn thuế, thanh tra kiểm tra thuế, quản lý và cưỡng chế nợ thuế, chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh liên kết...

Triển khai các giải pháp công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, các cơ quan thuế tiếp tục đồng hành, triển khai các giải pháp thu thuế điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Đại diện Tổng cục Hải quan thì cho biết đã chủ động chỉ đạo các cục hải quan địa phương, đặc biệt là các cục hải quan có số thu lớn tổ chức đối thoại và gặp gỡ một số doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tình hình, từ đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngành Hải quan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo các cục hải quan địa phương nắm rõ khả năng xuất khẩu, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở đó lượng hóa được khả năng thu của ngành thời gian tới.