1. Tại ngôi nhà một thành viên của nhóm - tác giả Trịnh Hữu Sỹ ở làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, thời gian qua, lần lượt hàng chục bản sắc phong quý giá đã được dâng tặng lại các địa phương với sự đón nhận của đại diện chính quyền cơ sở và những người quản lý, trông nom di tích.
Theo đó, vào sáng 16-5, nhóm đã dâng tặng lại 15 đạo sắc phong cho đại diện thôn Thọ Lương, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và đại diện của huyện. Tiếp đó là các đạo sắc phong của thôn, làng thuộc xã Đông Lỗ - Ứng Hòa và xã Hoàng Diệu - Chương Mỹ của Hà Nội vào ngày 30-5. Ngày 21-6, ba đạo sắc phong đã được nhóm dâng tặng và trở về với thôn Châu Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Rồi đến sắc phong của thôn Đồng Tâm, xã Đào Tạo, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vào ngày 12-7. Gần đây nhất, ngày 8-8, Nhóm nhân sĩ Hà Đông đã mang 11 đạo sắc phong về tận thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trong sự chuẩn bị đón nhận trọng thể của dân làng. Đó là cố gắng rất lớn của cả bên trao và bên nhận trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt, với đặc thù của một nhóm trân trọng văn hóa, truyền thống, hoàn toàn công đức văn hóa bằng tâm sức tự thân, không vụ lợi.
2. Thân tình, ấm cúng và chân thành là không khí chung của các cuộc dâng tặng lại sắc phong. Trong ngôi nhà ở làng Đa Sỹ, cũng chính là nơi ông Trịnh Hữu Sỹ thờ tự tổ tiên của dòng họ, gia đình mình, những “tấm bằng di sản” tôn vinh công trạng danh nhân và truyền thống địa phương đã hàng trăm năm tuổi, đã được trân trọng trao và nhận. Để sau đó, được đưa về giữ gìn, bảo vệ ở nơi di sản đó từng ra đi bởi những lý do đáng buồn: biến động của thời cuộc; lòng tham và hành vi phạm pháp của những kẻ trộm cắp, buôn bán cổ vật kiếm lời; điều kiện bảo tồn, bảo vệ di sản sơ sài, không bảo đảm an ninh an toàn; kể cả tình trạng còn thiếu hiểu biết và chưa trân trọng xứng đáng của địa phương, người dân đối với sắc phong - di sản độc đáo của quê hương mình.
Bởi thế, trong mỗi cuộc gặp gỡ, các thành viên Nhóm nhân sĩ Hà Đông đã chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sắc phong cùng với các di sản khác ở nông thôn. Đồng thời động viên những người đại diện cho chính quyền, người dân đến nhận sắc phong, rằng công việc bảo vệ di sản này phải là của tất cả mọi người ở địa phương. Đặc biệt là cần tự giác bảo quản, trông nom trước khi đòi hỏi, kêu gọi những hỗ trợ từ ngành văn hóa cấp tỉnh hay bộ. Bởi sắc phong như một phần hồ sơ văn hóa, tâm linh Việt. Các thành viên của nhóm cũng thông qua báo chí, mạng xã hội, tiếp tục bày tỏ nỗi lo lắng về thực trạng mất trộm sắc phong cũng như nạn mua bán sắc phong đã diễn ra từ lâu, rất cần có sự để ý và vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý văn hóa.
Đón nhận lại những quý vật của quê hương đã mất mát mà không biết tìm kiếm ở đâu trong suốt nhiều năm qua, là niềm cảm kích và biết ơn. Nhất là khi biết rằng, những người dâng tặng lại sắc phong không đòi hỏi bất kỳ điều kiện vật chất gì cả. Đại diện thôn Đồng Tâm, xã Đào Tạo đã từ Thái Bình lên Hà Đông từ rất sớm để nhận lại sắc phong. Với thôn Châu Phương Mạc của xã Phương Đình, trong khi đoàn đại diện lên Hà Đông nhận sắc phong thì người dân mở cửa đình làng từ sớm và chuẩn bị đồ lễ, ngóng đợi sắc phong trở về. Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Vinh đại diện cho huyện Bình Lục, Hà Nam lên nhận sắc phong, đã xúc động: Nhóm thật có công gìn giữ cho đất nước những di sản quý! Địa phương mới trùng tu, tôn tạo di tích khang trang, nay có được sắc phong trở về, quả là duyên lành!
3. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đại diện Nhóm nhân sĩ Hà Đông bộc bạch, qua những cuộc gặp mặt đó, người được hạnh phúc nhiều nhất lại chính là anh em trong nhóm. Bởi mọi người nhận ra rằng: người dân đã coi văn hóa là nền tảng quan trọng nhất để một dân tộc tử tế và phát triển. Ông kể lại: Hôm gặp đại diện người dân xã Đông Lỗ và Hoàng Diệu, tôi nói rằng, chúng tôi mới thật sự là người phải nói lời biết ơn tới họ. Bởi sự đón nhận các đạo sắc phong với một tinh thần thiêng liêng, là một trong những minh chứng quyền lực nhất để một lần nữa khẳng định về sự trường tồn của văn hóa Việt.
Đã giới thiệu rộng rãi danh sách hàng trăm bản sắc phong mà Nhóm nhân sĩ Hà Đông đang lưu giữ lên mạng xã hội, thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục đón nhận sự liên hệ của các địa phương nơi có sắc phong bị mất mát, thất lạc để thống nhất việc dâng tặng lại di sản. Đã có những người qua thông tin lan tỏa, thấy có ghi sắc phong quê mình từng bị mất, đã báo với địa phương mình để liên hệ với nhóm. Con đường trở về của các đạo sắc phong đang tiếp tục có những tín hiệu sáng.
Tất nhiên, sau khi trở về, được bảo vệ như thế nào, và bảo vệ sắc phong tại các di tích nói chung sao cho hiệu quả, là những câu hỏi lớn nữa dành cho địa phương và gửi đến ngành văn hóa.
Nỗ lực thiện nguyện văn hóa đã tiếp tục được tiếp sức. Họa sĩ Lê Thiết Cương mới đây đã tặng lại cho nhóm những bản sắc phong mà họa sĩ cẩn thận lưu giữ trong những năm qua với mong muốn dâng tặng lại cho địa phương có sắc phong đã bị mất. Những đạo sắc phong này thuộc về một địa phương của tỉnh Thái Bình, nhóm sẽ mời chuyên gia thực hiện các công việc: giám định, dịch, lập hồ sơ và thông tin với địa phương để tiến hành dâng tặng lại.