Nhiều khó khăn vì tăng giá

Nhiều mặt hàng sinh hoạt từ đầu tháng 3 “âm thầm” nhích lên khiến đời sống của người làm công ăn lương phải căn cơ, gói ghém sao cho tròn tháng, đủ bữa.
0:00 / 0:00
0:00
Lương thực, thực phẩm ở các chợ truyền thống tăng giá ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Lương thực, thực phẩm ở các chợ truyền thống tăng giá ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Chật vật với người làm công, ăn lương

Từ đầu tháng 3, ở nhiều nơi, giá sữa tươi đóng hộp giấy, trứng vịt… tăng 1 nghìn đồng, giá cà-phê rang xay đóng gói tăng 10 nghìn đồng. Giá các mặt hàng rau củ quả cũng tăng từ 3-5 nghìn đồng mỗi loại. Chanh tươi giá 40 nghìn đồng/kg, tăng 15 nghìn đồng. Giá chuối tiêu từ 8 nghìn đồng nay cũng tăng lên 12 nghìn đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Hương là công nhân may mặc ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, cho biết: “Lương của tôi 4,3 triệu đồng. Tôi phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng là 1,5 triệu đồng. Chồng tôi làm bảo vệ có mức lương cao hơn, khoảng 6,5 triệu đồng. Tổng mỗi tháng kiếm được trừ tiền thuê nhà, chúng tôi chưa có nổi 10 triệu đồng chi phí điện nước, xăng xe, nuôi hai con đi học… Chật vật lắm”. Mỗi ngày, chị Hương và chồng chị - anh Lê Văn Tuấn phải chăm lo công việc của mình một cách kỹ lưỡng và kiên nhẫn, vì nghỉ một ngày làm đồng nghĩa mức thu nhập cũng tụt giảm theo. Nói về việc chi tiêu của gia đình mình, anh Tuấn, cho hay: “Mỗi đồng tiền được cẩn thận chi tiêu và mỗi nhu cầu của con cái đều được xem xét kỹ lưỡng”.

Từ quê nhà Thường Xuân (Thanh Hóa) ra Bắc Ninh làm công nhân, anh Quách Văn Tâm và vợ Phạm Thị Mùi, cho biết: “Ở quê, chúng tôi không tìm được việc làm. Ra đây, kiếm được việc làm nhưng vẫn thuộc diện thu nhập thấp. Chúng tôi bằng lòng với thu nhập để được làm việc cùng nhau, sáng tối có nhau. Mỗi tháng đều định liệu, đồng tiền nhà trọ, đồng tiền cho con học phải bảo đảm. Nhưng giá cả thị trường tăng lên khiến bữa ăn đạm bạc, thiếu chất nên mệt mỏi”.

Trưởng ban quản lý chợ trung tâm Phố Mới (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) Đàm Quang Hạnh, cho biết: “Cuối năm trước đã tăng. Đầu năm nay lại tăng. Tăng giá là có thật, thịt lợn tăng từ 12-17 nghìn đồng mỗi loại. Mặt hàng rau củ quả cũng tăng khoảng 20-30%... Nguyên nhân do phí vận chuyển tăng”. Tiểu thương chợ Bà Lê (Hội An, Quảng Nam) Huỳnh Thị Ngọc Anh cũng phàn nàn: “Giá các mặt hàng đông lạnh như đùi gà, ức gà cũng tăng từ 10-15 nghìn đồng. Các mặt hàng hải sản cũng tăng từ 15-25 nghìn đồng… Chúng tôi là người phân phối cuối cùng, tiếp xúc trực tiếp với người mua nên giá tăng cũng không vui”.

Đời sống chưa thật sự được cải thiện

Giá cả sinh hoạt tăng không chỉ công nhân khó khăn mà đời sống cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng phải thắt chặt chi tiêu cho phù hợp với điều kiện gia đình. Chị Lê Thị Quỳnh, giáo viên mầm non xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận), cho biết: “Chia lương cho số ngày trong tháng, tôi chỉ đạt được mức 117 nghìn đồng mỗi ngày. Trước đây, lương chuẩn bị tăng thì giá cũng theo lương mà tăng. Nhưng nay, giá cả tăng theo giá điện, giá xăng… vì vậy đời sống chưa được cải thiện đi lên thì lại “bóp” chi tiêu ăn uống, sinh hoạt”.

Chi phí cho lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản thường chiếm một tỷ trọng lớn. Ngoài ra, chi phí cho nhà ở, đi lại, y tế, giáo dục và các chi phí khác trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều người thuê trọ ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cho hay, qua dịp nghỉ Tết, giá nhà trọ đều tăng từ 200-500 nghìn đồng cho mỗi phòng trọ.

Người làm công ăn lương, công chức, viên chức phải đối diện với những khó khăn cứ lặp đi lặp lại như vậy, tâm lý, tình cảm của họ ra sao? Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Hân-Viện Nghiên cứu tâm lý VPIT, cho hay: “Người làm công ăn lương khi phải đối mặt với tình hình giá cả sinh hoạt tăng mà mức lương của họ không đảm bảo, thường sẽ phải đối diện với tâm lý lo lắng, căng thẳng và không an tâm về tương lai”.

“Họ có thể cảm thấy bất lực khi không thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình trong bối cảnh chi phí tăng cao. Sự áp lực tài chính có thể gây ra stress, lo lắng về tương lai và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần của họ”, bà Hân cho biết.

Lời khuyên của chuyên gia: Lập kế hoạch các khoản chi tiêu và ưu tiên chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết như thực phẩm, y tế và giáo dục. Tìm kiếm các cơ hội tăng thu nhập bổ sung bên ngoài công việc chính. Và đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình, bạn bè hoặc các tổ chức xã hội nếu cảm thấy căng thẳng và lo lắng về tình hình tài chính.