Theo CNN, ông Muhammad Yunus, từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời tại quốc gia Nam Á này. Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp giữa Tổng thống M.Shahabuddin với người đứng đầu ba cơ quan cùng các thành viên điều phối của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử để hoàn tất bộ khung của chính phủ lâm thời trong tối 6/8.
Trao đổi ý kiến với hãng thông tấn BSS của Bangladesh, Thư ký báo chí của Tổng thống, ông Joynal Abedin cho biết, Tổng thống Shahabuddin đã nhất trí với đề xuất tại hội nghị và các thành viên khác của chính phủ lâm thời sẽ được hoàn chỉnh trong sự tham vấn với các chính đảng khác. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Tổng thống Shahabuddin khẳng định, Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc và để giải quyết vấn đề, chính phủ lâm thời cần phải được thành lập càng sớm càng tốt. Ông cũng hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng.
Thủ tướng Sheikh Hasina quyết định từ chức sau khi các cuộc biểu tình đường phố đòi cải cách hệ thống hạn ngạch việc làm trong cơ quan công quyền biến thành bạo loạn, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Từ đầu tháng 7 đến nay, người biểu tình quá khích đã đốt phá nhiều trụ sở cơ quan, văn phòng đảng cầm quyền, đài truyền hình quốc gia... Biểu tình bạo lực khiến chính quyền phải ban bố lệnh giới nghiêm, áp đặt thiết quân luật, đóng cửa trường học trên cả nước..., gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội.
Mặc dù Tòa án Tối cao đã có những điều chỉnh hệ thống hạn ngạch việc làm, song các hành vi bạo lực vẫn tiếp diễn. Bạo lực lên tới đỉnh điểm khi những đối tượng biểu tình quá khích tấn công lực lượng cảnh sát ngày 4/8, khiến gần 100 người thiệt mạng.
Sau khi Thủ tướng Hasina từ chức sau 15 năm cầm quyền liên tục và rời Bangladesh, dinh thự của bà ở Thủ đô Dhaka đã bị những phần tử bạo loạn cướp phá. Các vụ phóng hỏa và cướp bóc đã xảy ra trên khắp đất nước. Tư lệnh lục quân Bangladesh Waker-uz-Zaman kêu gọi người dân tuân thủ luật pháp và trật tự, đồng thời tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời.
Giới chuyên gia cho rằng, nguồn cơn sâu xa của tình trạng bất ổn ở Bangladesh là do các vấn đề kinh tế và sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân của quốc gia Nam Á này. Trong thời kỳ đầu bà Hasina lên nắm quyền, nhà lãnh đạo này đã góp phần hồi sinh nền kinh tế đất nước, đưa Bangladesh từ một quốc gia nghèo nàn trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực và cải thiện đáng kể mức sống của người dân. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, kinh tế Bangladesh “rơi tự do”, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều nhà máy đóng cửa cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ngành dệt may, vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Bangladesh và chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 55 tỷ USD của nước này mỗi năm, đã bị tàn phá nặng nề. Cuộc khủng hoảng an ninh trên Biển Đỏ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá nhiên liệu tăng cao và Bangladesh là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Hãng thông tấn BSS cho hay, ước tính gần 32 triệu thanh niên không có việc làm hoặc không được học hành ở đất nước có dân số 170 triệu người này. Mâu thuẫn xã hội và năng lượng của sự bất mãn được tích lũy qua hàng thập niên, dưới các chế độ lãnh đạo kéo dài trở thành lực cản đối với xã hội, dồn nén và chỉ chực chờ bùng phát trở thành cuộc khủng hoảng chính trị.
Cho tới khi một cuộc tổng tuyển cử dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm diễn ra thì các vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và bất bình đẳng vẫn đang là những thách thức lớn với chính phủ lâm thời của Bangladesh. Nhiệm vụ sắp tới của chính quyền lâm thời do ông Muhammad Yunus lãnh đạo dự kiến sẽ vô cùng khó khăn, trong việc kiềm hãm sự lao dốc của nền kinh tế và khôi phục trật tự xã hội cũng như tăng trưởng đất nước.