1. Hồ Chí Minh là người mà "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vào bất kỳ lúc nào... cũng kết hợp một cách tuyệt diệu nghị lực và lòng tin sắt đá của người cách mạng với phong cách ung dung thư thái của một triết nhân"(1), nên những ghi chép của người tù "về những ngày bị mất tự do" qua những sự việc, những cảm nhận, tâm tư bị oan ức, khát vọng tự do, ý chí rèn luyện, tinh thần vượt qua mọi khó khăn, niềm hy vọng vào tương lai, v.v. khi bị giam cầm, bị giải qua 13 huyện với 18 nhà lao của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc là những vần thơ, bài thơ. Nó đặc biệt, vì như Hồ Chí Minh đã viết: "Ngâm thơ ta vốn không ham,/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do"(2).
Từ bài Đề từ ở đầu quyển không đánh số của Nhật ký trong tù, tư tưởng và "cương lĩnh phấn đấu" của người tù Hồ Chí Minh ngắn gọn, giản dị đến cô đọng được chứa đựng trong những vần thơ: "Thân thể ở trong lao,/ Tinh thần ở ngoài lao;/ Muốn nên sự nghiệp lớn,/ Tinh thần càng phải cao"(3). Chan chứa khát vọng về tự do, ánh sáng tự do tỏa sáng từ những "ghi chép bằng thơ" này dường như càng đặc sắc hơn khi "nhiều lần Bác dùng chữ tự do, cảm giác tự do toát lên nổi trội nhất trong tập thơ, tự do của dân tộc và tự do của con người, trước hết là tự do của Tổ quốc" và hơn thế nữa "Bác ở trong thơ không phải là người phấn đấu cho tự do, mà thực sự là người tự do"(4)... Bởi tự do ấy không chỉ là sự biểu hiện với tình yêu cuộc sống ở những phẫn nộ, căm giận của người tù Hồ Chí Minh với chế độ thống trị tàn bạo, xấu xa; với nền độc lập của dân tộc và tự do của nhân dân đang bị kẻ thù xâm chiếm; cùng sự sẻ chia đồng cảm với thân phận những người lao động nghèo khổ, những người dân bị mất độc lập, tự do... mà còn chứa đựng sự coi thường về những thiếu thốn vật chất đến cùng cực, thậm chí còn cười cợt về sự thiếu thốn tối thiểu đó của con người.
Xuyên suốt Ngục trung nhật ký là hình ảnh người tù Hồ Chí Minh tràn đầy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và một quyết tâm cao độ đấu tranh cho tự do. Dù tiếp cận ở những thời khắc khác nhau, song suy nghĩ về tự do, tinh thần tự do và nỗi khát khao được tự do tràn đầy trong những vần thơ, bài thơ như "có người nói Nhật ký trong tù cũng có thể gọi là tiếng hát tự do... Phải có tự do để khuyên bảo đồng chí, để hướng dẫn đồng bào, giành lại tự do cho Tổ quốc"(5).
Điều này, khi được đặc tả trong khắc khoải tính đếm "một canh... hai canh...lại ba canh"- (bài Không ngủ được); khi lại hào sảng quên cả ngày tháng "Thân tù đâu thiết thu sang chửa,/Chỉ thiết hôm nao mở cửa tù"- (bài Cảm thu, I). Tâm hồn và ý chí của Hồ Chí Minh thoát ra ngoài song sắt nhà tù, vươn về Đất Mẹ để trong giấc mơ có "sao vàng năm cánh mộng hồn quanh".
Ngôi sao ấy là niềm tin, là khát vọng thường trực trong tâm trí Hồ Chí Minh; nó góp phần làm nên cái ung dung, tĩnh tại lạ thường, cái vững bền của ý chí và tinh thần của Người, mà người đọc cảm nhận ở đó không có sự nôn nóng và phẫn nộ, sự đau xót và phẫn uất chi phối...; chỉ thấy một Hồ Chí Minh nắm rõ quy luật của tạo hóa "hết khổ là vui vốn loe đời" để kiên nhẫn mưu việc lớn.
2. Cùng với thời gian, những bài thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh mà "hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh"(6) chính "là một ngọn đèn pha từ ngục tối của ngày xưa đã chiếu sáng cái vĩ đại của Bác Hồ ngày nay". Giá trị nhân văn cao quý và tấm gương đạo đức, tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc đại nhân, đại trí, đại dũng trong những bài thơ ấy đã làm "xáo trộn cả tâm hồn nhân loại".
Triển lãm thư pháp Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc năm 2010 do 25 nhà thư pháp hàng đầu của Hàn Quốc thực hiện.
Khác với những người tù, Hồ Chí Minh "ngay cả trong cảnh lao tù nguy nan nhất, vẫn là người tự do hơn mọi người khác, vì thấm nhuần thế giới quan, lịch sử quan Mác - Lê-nin và nắm chắc quy luật chuyển biến cách mạng từ thế giới tất yếu qua thế giới của tự do chân chính"(7); vì nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nước, nhớ Tổ quốc mình quện chặt vào nhau, tụ lại và hướng đến tự do: "Mây mưa mây tạnh bay đi hết,/Còn lại trong tù khách tự do"- (bài Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây); "Xót mình giam hãm trong tù ngục,/Chưa được xông ra giữa trận tiền"- (bài Ở Việt Nam có biến động)... Vì vậy, trong các bài thơ, dù là tả cảnh thiên nhiên, rung cảm trước một tiếng sáo của người bạn tù, nụ cười khoan dung hiền hậu với những cảnh ngang trái, hay trằn trọc khi không ngủ được... thì xuyên suốt và nhất quán cũng vẫn hiển hiện chân dung người cộng sản kiên trung, kiên quyết giữ vững ưu thế chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng của mình trong cảnh lao tù một cách sinh động nhất. Cái nền, cơ sở của một tâm hồn vừa thanh cao, vừa khoáng đạt tự do ấy chính là một nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan cách mạng và lòng yêu nước, yêu con người vô hạn...
Mỗi chuyện nhỏ của đời thường như bị rận, rệp, muỗi, bệnh ghẻ, không ngủ được, v.v. hành hạ, bị "rụng một cái răng, mất một cái gậy cũng là dịp để Hồ Chủ tịch làm thơ bày tỏ khí tiết của mình"8. Vì vậy, nói như Hoàng Xuân Nhị thì "coi tai ương là một khâu "rèn luyện" cho đời mình, một thử thách mà mình nhất định sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng", đó là ý nghĩa lớn nhất, sâu sắc nhất của cả tập thơ Nhật ký trong tù truyền lại cho chúng ta.
Điều tâm đắc nhất, giá trị tinh thần lớn lao nhất mà Nhật ký trong tù trao truyền lại chính là triết lý cuộc sống: Sự khó khăn không chỉ nằm ở những khi gay go, thử thách... nó còn nằm ở chính sự bằng phẳng tưởng chừng thuận lợi.
Không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh viết: "Đi khắp đèo cao khắp núi cao,/Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao./Núi cao gặp hổ mà vô sự,/Đường phẳng gặp người bị tống lao"- (bài Đường đời khó khăn). Bởi theo Người, chặng đường nào của cuộc đời mỗi con người, của cuộc đấu tranh cách mạng cũng có những khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi người, nhất là những cán bộ, đảng viên phải kiên trì và quyết tâm cao độ.
Nhật ký trong tù không chỉ nêu ra những khó khăn, thách thức mà mỗi người tù phải vượt qua để đạt được tự do thật sự, đạt được mục đích lớn lao của cuộc đời mình, mà còn chỉ ra phương thức và kinh nghiệm của người tù Hồ Chí Minh để vượt qua nó. Học ở Người sự vượt lên chính mình, vượt qua mọi thử thách của một hiện thực phũ phàng cả trong tâm hồn và ý chí - "đợi đến ngày tự do" để "đấu tranh cho tự do" một cách thiết thực, hiệu quả nhất trong Nhật ký trong tù, đó là "Sống ở trên đời, người cũng vậy,/Gian nan rèn luyện mới thành công"- (bài Nghe tiếng giã gạo). Để nguồn ánh sáng nội lực kiên trung, bất khuất của bậc minh triết Hồ Chí Minh soi rọi và nâng bước chúng ta trong hành trình đi tới tương lai, hãy thấm nhuần với 23 điều răn Người từng dạy trong tác phẩm Đường Kách mệnh từ năm 1927 - đó là tu dưỡng đạo đức trong mối quan hệ với mình, với đồng chí và với công việc; hãy kiên tâm và kiên định trong mọi hoàn cảnh: để giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục...và đó cũng chính là điều Ngục trung nhật ký "tu dưỡng cho hết thảy chúng ta".
------------------
(1) Lời nói đầu cuốn Nhật ký trong tù, xuất bản lần thứ 3, Nxb.Văn học, H, 1983, tr.16-17.
(2) Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Nxb. CTQG, H, 2003, tr.85.
(3) Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Nxb. CTQG, H, 2003, tr.84.
(4) Báo Văn học, số 95, ngày 20-5-1960.
(5) Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Nxb. CTQG, H, 2003, tr.318.
(6) Quách Mạt Nhược, Cảm tưởng sau khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, Báo Nhân Dân, ra ngày 13-11-1960.
(7) Hồ Chí Minh - tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb. Giáo dục, H, 2003, tr.566.
(8) Trường Chinh, Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb. Sự Thật, H, tr.69.