Nhận thức đúng mới bảo vệ được di sản

Với thời gian không có gì bền vững mãi mãi, nhưng lưu giữ ký ức lịch sử - văn hóa như thế nào thì chúng ta có thể chủ động đưa ra phương cách của mình. Nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành vi đúng. Điều này cũng đúng trong lĩnh vực bảo vệ các di sản văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Tam quan mới của chùa Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên) đã thay thế cho tam quan giản dị của chùa Nôm cũ.
Tam quan mới của chùa Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên) đã thay thế cho tam quan giản dị của chùa Nôm cũ.

Quan điểm “bảo tồn có chọn lọc” còn ảnh hưởng nặng nề

Trong một thời gian dài, quan điểm “bảo tồn có chọn lọc” đã tạo ra nhiều rào cản trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Chỉ một số di sản và những hoạt động thực hành văn hóa được đánh giá “tốt” mới được lựa chọn để khuyến khích bảo tồn. Những gì bị coi là “lạc hậu”, “rườm rà”... được khuyến khích… xóa bỏ.

Đã có nhiều trường hợp, văn hóa (theo cả nghĩa rộng và những yếu tố cụ thể) bị tách ra khỏi cộng đồng và “được” quyết định số phận (cao - thấp, sang - hèn, được hỗ trợ “phát triển” hay “cần xóa bỏ”...), trong khi những giá trị làm nên “hồn cốt” của di sản bị xem nhẹ, thậm chí bị bỏ qua. Sự ưu tiên đầu tư phát triển “có trọng điểm” cũng dựa trên cách phân chia thứ bậc. Điều này đang tạo nhiều rào cản trong nhận thức quản lý và bảo tồn chính di sản được công nhận sau khi đã tạo nên sự mất cân bằng trong đầu tư bảo tồn. Quan điểm này vẫn còn nhiều ảnh hưởng mà không phải ai cũng dễ nhận ra.

Quan điểm “tiến hóa đơn tuyến” vẫn có nhiều ảnh hưởng cùng với suy nghĩ cho rằng “phát triển” phải gắn với việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Điều này đã khiến không ít phong tục, tập quán, những thực hành văn hóa được xem là “kỳ lạ”, cổ hủ, lạc hậu. Cái nhìn phân chia cao - thấp cùng với những ngôn từ không tích cực như “lạc hậu”, “kém phát triển”, “nhận thức thấp”… tạo ra sự suy diễn mang tính phân biệt, sai lệch và tiêu cực.

“Chạy đua” phong cấp và trùng tu không đúng

Sự hiểu sai lệch về chủ sở hữu cùng với quan điểm và phương pháp “bảo tồn chọn lọc”, tư duy “phân cấp”, “xếp hạng” di sản văn hóa phi vật thể đã dẫn đến sự đánh giá “tầm quan trọng” của một di sản văn hóa phi vật thể theo “cấp” mà nó “được phong”: Cấp thế giới (toàn cầu, toàn nhân loại…), cấp quốc gia, cấp tỉnh (!). Việc chia thứ bậc để xác định mức ưu tiên bảo tồn đã dẫn đến hệ lụy “liền kề” là tạo ra cuộc chạy đua danh hiệu, phẩm cấp cho di sản “của” địa phương mình, từ đó có thể “hoành tráng hóa” di sản như một niềm tự hào nặng tâm lý ganh đua - làm sao để địa phương mình có nhiều di sản được “công nhận”, cần “nâng cấp” để lễ hội năm nay “hoành tráng” hơn năm ngoái… (!). Cuộc “chạy đua” này sẽ lại kéo theo những hệ lụy tiêu cực khác. Một lễ hội ở địa phương sau khi được “phục dựng”, “nâng cấp” đồng thời “chính quy hóa” đã trở thành “lễ trình diễn” với nhiều ý nghĩa mới. Thậm chí sáng tác cả những “truyền thuyết” không hề có trong lễ hội.

Bên cạnh đó, thiếu nguyên tắc trùng tu, thiếu ý kiến đóng góp của các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật, tôn giáo, văn hóa và các nghệ nhân địa phương khi tiến hành trùng tu, tôn tạo, nguyên nhân này đã làm cho công tác trùng tu ở nhiều di tích trở thành “bỏ cũ, xây mới”. Đã có nhiều thí dụ đau xót cho di sản, di tích trong lĩnh vực này. Một công trình hiện đại trùm lấp lên một di tích, di chỉ cũng là điều thường thấy. Nếu tình trạng đó còn tiếp diễn thì sẽ còn có thêm nhiều di sản, di tích bị biến dạng, xóa sổ.

Cần trở lại những nguyên tắc bảo tồn

Việc nhận thức về di sản và cả cách thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản vẫn còn nhiều lệch lạc, sai sót. Nhận thức không đúng làm cho di sản không được bảo vệ đúng mức và đúng cách. Di sản không còn được bảo tồn nguyên trạng và đúng trong môi trường đã sinh ra nó. Hệ quả là sinh ra một “dị bản lỗi” gây nhiều tác hại. Thậm chí, sự lệch lạc từ nhận thức có thể làm “biến mất” di sản.

Với loại hình di tích, di vật, sự lựa chọn cứu nguy những gì đang đứng trước nguy cơ bị biến mất luôn là điều đáng quan tâm khi chúng ta muốn giữ một phần của ký ức lịch sử như là “tài sản văn hóa để dành” cho hậu thế. Bảo tồn không phải là “đóng băng” quá khứ nhưng phát triển cũng không phải là đập bỏ, san phẳng cái cũ. Những giá trị lịch sử - văn hóa từ quá khứ cũng sẽ góp phần tạo thêm giá trị gia tăng cho các công trình hiện đại.

Với văn hóa phi vật thể, một trong những nguyên tắc bảo tồn căn bản cần được nhấn mạnh: Trao cho các cộng đồng sở hữu di sản quyền truyền lại di sản văn hóa của mình. Nói cách khác, các cộng đồng chủ nhân phải có quyền bảo tồn bản sắc văn hóa riêng của họ. Chỉ cộng đồng sở hữu di sản mới có thể quyết định cái gì sẽ được duy trì, sẽ tiếp tục “sống” trong di sản họ đang lưu truyền.