Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ về những gửi gắm của ê-kíp sáng tạo, dàn dựng tác phẩm này?
NSƯT Nguyễn Văn Hải: Về nội dung, vở kịch được lấy cảm hứng từ tập truyện “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân. Trong đó, chủ lực là nội dung tác phẩm “Chữ người tử tù” và một số chi tiết, nhân vật xen kẽ từ truyện ngắn “Chém treo ngành”, “Những chiếc ấm đất”... Việc dàn dựng bám sát chủ đề tư tưởng của tác phẩm, chỉ thay vai của 1, 2 nhân vật.
Khi biết một tử tù nổi tiếng viết chữ thánh hiền đẹp khắp tỉnh Sơn Tây - Huấn Cao sẽ đến tù giam của mình, viên quản ngục đã dùng đòn roi nhằm khuất phục ông cho chữ. Tuy nhiên, mưu đồ đó không thành mà còn dẫn đến nhiều tai hại cho người thân. Viên quản ngục dần thức tỉnh, ông được học chữ từ nhỏ, vì buộc phải dấn thân trong chốn ngục tù lẫn lộn tạp nham, nghe lệnh kẻ trên mà dần mất đi bản tính. Ông đã dùng bản chất yêu cái đẹp, hướng thiện để thuyết phục được Huấn Cao. Không chỉ riêng viên quản ngục, người đao phủ như Bát Lê cũng chọn cách tự kết liễu chính mình thay vì hành hình ông Huấn Cao. Qua đó, vở kịch truyền tải thông điệp sự thiên lương sẽ luôn chiến thắng cái ác tàn bạo, cái đẹp sẽ đánh bại cái xấu. Đó cũng là tư tưởng chủ đạo chân - thiện - mỹ trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. “Vang bóng một thời” còn có sự tham gia của NSND Lệ Ngọc và nhiều diễn viên trẻ như Anh Tuấn, Quang Tú, Lâm Cương, Anh Đào...
Cảnh trong vở “Vang bóng một thời”. |
PV: Thưa ông, trở ngại lớn nhất đối với các nghệ sĩ khi xây dựng vở kịch khai thác từ tác phẩm nổi tiếng của một nhà văn nổi tiếng là gì?
NSƯT Nguyễn Văn Hải: Khó khăn lớn nhất của ê-kíp Lệ Ngọc là phải tìm ra được chìa khóa mở để cho người xem hiểu được tinh thần của vở diễn và đúng với hồn cốt trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Những tác phẩm của ông thể hiện sự kiêu hãnh trong ngôn ngữ, ẩn chứa nhiều hàm ý sâu sắc, cần nhiều suy ngẫm, không mang nhiều hành động kịch và kén người xem. Chính vì vậy, rất khó để từ đó phóng tác ra sân khấu. Từ xây dựng kịch bản cho đến khi biểu diễn, các nghệ sĩ cần phải hiểu được từng câu thoại. Tuy đây là vở kịch khó, có một số câu thoại mà diễn viên không dễ hiểu được nhưng các bạn đã hoàn thành tốt vai diễn của mình. Quan trọng là diễn viên phải tìm cách khai thác nội tâm nhân vật để diễn tả được cho khán giả.
PV: Sân khấu Lệ Ngọc có dự định đưa những vở kịch chuyển thể các tác phẩm văn học như này đến gần hơn với các em học sinh không?
NSƯT Nguyễn Văn Hải: Với cảnh diễn sinh động, tác động trực tiếp vào cảm xúc của người xem, những vở kịch được xây dựng từ các tác phẩm văn học như “Vang bóng một thời”, “Thị Nở - Chí Phèo”, “Dế Mèn”... của chúng tôi đã thu hút được nhiều khán giả, trong đó có các em học sinh. Chúng tôi cho rằng, đây là cách để các em cảm nhận chân thật, sâu sắc hơn về tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục nhà trường nói riêng, cũng như văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung. Đây cũng là mong mỏi của nhiều người làm nghệ thuật như Sân khấu Lệ Ngọc, mong lan tỏa rộng rãi hơn những giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc đến thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cần có sự góp sức từ lãnh đạo văn hóa và nhà trường, gia đình để có thể đưa những vở kịch như thế đến gần với các em học sinh hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ đã chia sẻ!