Nguy cơ lạm phát hiện hữu

Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,84% so với năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,23% của năm 2020. Trong đó, nhóm các hàng hóa tăng giá mạnh chủ yếu là xăng dầu và gas theo biến động giá thế giới: giá xăng dầu tăng 31,74%, giá gas tăng 25,89%. Bên cạnh đó là giá gạo tăng 5,97%, giá vật liệu nhà ở tăng 7,03% và giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87% theo lộ trình điều chỉnh tăng học phí.

Diễn biến giá dầu 2021 - 2022. Nguồn: IEA
Diễn biến giá dầu 2021 - 2022. Nguồn: IEA

Ngược lại, nhóm các hàng hóa giúp kiềm chế lạm phát như giá thực phẩm giảm, giá điện giảm do các chương trình hỗ trợ của EVN, giá vé máy bay, giá du lịch giảm do nhu cầu suy giảm. Lạm phát cơ bản bình quân của năm 2021 chỉ tăng 0,81% so với bình quân của năm 2020, cùng với mức tăng tổng phương tiện thanh toán là 8,93%, giảm so với mức tăng 13,26% của năm 2020. Những thống kế nêu trên cho thấy, lạm phát tăng chủ yếu xuất phát từ biến động giá năng lượng và lương thực. Trong khi đó, kinh tế khó khăn do dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá các mặt hàng tiêu dùng còn lại về cơ bản là ổn định hoặc suy giảm, đã giúp giảm nhịp tăng của mức giá chung.

Tuy nhiên, với những diễn biến tiếp tục trên cơ sở đó, nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, mặc dù tốc độ tăng cung tiền M2 của Việt Nam có xu hướng giảm dần kể từ năm 2016 nhưng Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 và tỷ lệ M2/GDP lên đến 180% cuối năm 2020-ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Một điểm đáng lưu ý là với mức tăng trưởng cung tiền cao, nền kinh tế sẽ đối mặt với các rủi ro lạm phát trong khi không tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nếu phần lớn nguồn tiền này không chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, xét trong dài hạn, khi tăng trưởng kinh tế đang ở dưới mức tiềm năng, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả, cung tiền không giảm hoặc gia tăng sẽ là yếu tố tác động lên lạm phát trung và dài hạn. Số liệu về tín dụng/GDP cũng cho thấy hiện tại Việt Nam đang có mức cao hơn so với các nước trong khu vực, đã tiến sát 150% vào cuối năm 2020. Chỉ số này của Việt Nam có xu hướng tăng và hiện ở mức cao cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính ở Việt Nam rất lớn. Ngoài ra, tác động của chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ trở nên rõ nét hơn vào các năm sau và chắc chắn gây ra áp lực tăng giá.

Nguy cơ lạm phát hiện hữu -0

Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn cầu đang có xu hướng tăng cao do đà phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn có thể gây ra hiện tượng “nhập khẩu lạm phát”. Xu hướng gia tăng lạm phát đã diễn ra tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Anh. Lạm phát tại Mỹ tăng lên với tỷ lệ cao nhất trong gần 40 năm với mức gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2021 là 7%. Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong năm 2021 là 5,4%, là mức cao nhất trong vòng 30 năm và khu vực EU cũng chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục với tỷ lệ lạm phát là 5%. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, do đó sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu sẽ gây áp lực lớn đối với lạm phát ở Việt Nam trong những năm tới.

Thứ ba, giá dầu thế giới trong năm 2021 đã có sự gia tăng mạnh và xô đổ các kỷ lục vào đầu năm 2022 do chiến sự Nga-Ukraine sẽ sớm chuyển hóa thành sự tăng giá mạnh của nhiên liệu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải-kho bãi, các yếu tố đầu vào khác, có thể gây sức ép lớn đến lạm phát. Cho đến ngày 11/3/2022, trung bình giá xăng dầu tăng 45,2% so năm 2021 và nếu theo Dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì giá xăng dầu tăng 41%.

Sử dụng bảng cân đối liên ngành I/O, nếu giá xăng dầu tăng 45,2%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến CPI tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%. Trong trường hợp Dự thảo được thực hiện, giá xăng dầu tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%; chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%.

Trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng rất nhiều, dẫn đến nguy cơ bất ổn vĩ mô. Do vậy trong ngắn hạn, để kiểm soát lạm phát trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ tập trung nhiều vào tổng cầu, sao cho các biện pháp trong ngắn hạn này có thể đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây sức ép đến lạm phát.

Nguy cơ lạm phát hiện hữu -0
Tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, lạm phát, giá dầu và giá lương thực thế giới, 2015 - 2021. Nguồn: TCTK, EIA, FAO,NHNN 

Cần chú trọng vào việc hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản. Giảm bớt dòng vốn vào các thị trường tài sản, bên cạnh chính sách tài khóa như thuế tài sản để hạn chế dòng tiền đầu cơ vào thị trường bất động sản, vàng; chính sách lãi suất, tỷ lệ tài trợ cho khoản vay mua nhà đất cần có khác biệt giữa bất động sản đầu tiên mà cá nhân, hộ gia đình sở hữu với bất động sản thứ hai và thứ ba.

Kiểm soát cung tiền vào thị trường bất động sản và nắn dòng tiền của khu vực ngân hàng vào khu vực nền kinh tế thực, lĩnh vực lan tỏa (sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm) bằng các biện pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản có chọn lọc như giám sát việc tài trợ các dự án bất động sản thuộc cổ đông lớn và người có liên quan đến cổ đông lớn của ngân hàng, giám sát các hình thức ủy thác, repo bất động sản, tăng cường giám sát rủi ro tại các tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất ổn liên quan đến đầu tư/kinh doanh bất động sản.

Tiếp tục bảo đảm thanh khoản, hỗ trợ các ngân hàng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu của chính sách tiền tệ, tạo điều kiện để giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp, và nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống.