Người được lịch sử lựa chọn một cách “tình cờ”
Tất cả các cuốn sách viết về sự kiện trọng đại ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đều nhắc đến hai người phụ nữ trang trọng kéo cờ trong giờ phút thiêng liêng bắt đầu buổi lễ. Đó là nữ cán bộ Phụ nữ Cứu quốc Dương Thị Thoa, sau này trở thành GS Triết học Lê Thi và bà Đàm Thị Loan - một nữ đội viên du kích người Tày, sau này là phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Sau này nhớ lại kỷ niệm đó, GS Lê Thi vẫn cho rằng mình là người cực kỳ may mắn khi tình cờ được chọn để giao nhiệm vụ quan trọng đó. Từ sáng 2-9-1945, bà Lê Thi dẫn đầu Đoàn phụ nữ Hàng Bông gần 100 chị em đi bộ qua Cửa Nam đến đường Điện Biên Phủ rồi tiến vào Quảng trường Ba Đình chờ dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Bà Lê Thi mặc áo dài trắng, đi giày ba-ta, tay cầm gậy gỗ đứng ở đầu hàng, trang nghiêm giữ đội hình chỉnh tề. Một cán bộ trong Ban tổ chức ngày lễ đến thông báo muốn cử một phụ nữ lên kéo cờ và bà đã được chọn.
Sau này GS Lê Thi nhớ lại: “Khi bài Quốc ca vang lên cũng là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, khi bài Quốc ca vừa kết thúc là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình… Đó cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào. Trên lễ đài, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rõ hơn trong bộ ka-ki giản dị, khác hẳn với những vị lãnh tụ mà tôi đã được học trong sách vở”.
Lịch sử đã “chọn” bà Lê Thi nhận vinh dự lớn trong Ngày Độc lập 2-9, nhưng mọi sự có lẽ không phải là “tình cờ”. Trước khoảnh khắc lịch sử đó, bà đã tham gia hoạt động Cách mạng dưới ánh sáng của lá cờ đỏ sao vàng và cả suốt cuộc đời hoạt động cống hiến sau này, GS Lê Thi luôn nỗ lực xứng đáng với sự “lựa chọn” đó.
Cuộc đời không ngừng hoạt động và cống hiến
GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh ngày 3-6-1926, quê ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Gia đình GS Lê Thi có truyền thống hiếu học và yêu nước. Bà là con gái thứ tư (trong số tám người con) của nhà giáo nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường Bưởi - GS Dương Quảng Hàm. Năm 17 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội), Dương Thị Thoa đã tham gia hoạt động cách mạng trong Hội Phụ nữ Cứu quốc. Sau này bà lấy bí danh Lê Thi. Chị gái bà Lê Thi là bà Dương Thị Ngân, cũng tham gia cách mạng và chính là phát thanh viên Ngân Thanh - nữ phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà Ngân là một trong hai người đọc bản tin phát đi Tuyên ngôn Độc lập vào trưa 7-9-1945.
Sau Ngày Độc lập 2-9, bà Lê Thi hăng hái tham gia cách mạng trong Hội Phụ nữ Cứu quốc của quận Hoàn Kiếm và tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1956, bà được cử đi học lớp lý luận chính trị cao cấp đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên. Bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau và được phong hàm Giáo sư triết học. GS Lê Thi tham gia nghiên cứu và giảng dạy triết học từ năm 1962 đến năm 1987. Bà là Quyền Viện trưởng Viện Triết học những năm 1981 - 1985, là Viện trưởng Viện Triết học từ năm 1985 đến năm 1988 và là Tổng Biên tập Tạp chí Triết học từ năm 1981 đến 1987. Bà cùng một số người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và gia đình (sau này trở thành Viện Gia đình và giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giữ cương vị Viện trưởng cho đến khi nghỉ công tác (1987 - 1999).
Suốt cuộc đời, GS Lê Thi đã chiến đấu và phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Bà có nhiều đóng góp nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phụ nữ, giới và gia đình Việt Nam. Bà là tác giả của nhiều công trình khoa học: Ba cuộc cách mạng và vấn đề giải phóng phụ nữ (NXB Phụ nữ, 1976); Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam (NXB Phụ nữ, 1982); Tìm hiểu việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1983), Vai trò gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam (NXB Phụ nữ, 1998); Việc làm đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1999); Cuộc sống của phụ nữ đơn thân ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 2002); Cuộc sống và biến động của hôn nhân gia đình Việt Nam hiện nay (NXB Khoa học xã hội, 2006); Hỏi đáp về hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay (NXB Thế giới, 2006); Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay (NXB Khoa học xã hội, 2009).
GS Lê Thi đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.