“Người gây ô nhiễm phải trả tiền”

Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật buộc các ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm phải gánh nhiều chi phí hơn trong việc xử lý nước thải.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia môi trường thu thập mẫu nước thải gần một cơ sở sản xuất dược phẩm của Đức. Ảnh: MEDWATCH
Chuyên gia môi trường thu thập mẫu nước thải gần một cơ sở sản xuất dược phẩm của Đức. Ảnh: MEDWATCH

Theo AFP, EP vừa chính thức thông qua một thỏa thuận đạt được với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 1 vừa qua. Thỏa thuận sửa đổi các quy tắc có hiệu lực từ năm 1991, theo đó đến năm 2035, các thị trấn có hơn 1.000 cư dân phải loại bỏ tất cả các vật liệu hữu cơ có thể phân hủy sinh học trước khi thải nước đã qua xử lý ra môi trường. Đối với các thị trấn hơn 150.000 dân, đến năm 2039 phải loại bỏ toàn bộ ni-tơ và phốt-pho và đến năm 2045 phải loại bỏ chất ô nhiễm vi mô.

Quan trọng hơn cả, dự luật trên thiết lập nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, theo đó yêu cầu ngành dược phẩm và mỹ phẩm đóng góp tài chính nhiều hơn cho nỗ lực xử lý nước thải. Theo giới chức EU, 59% lượng chất ô nhiễm vi mô trong các trạm xử lý nước thải đến từ các nhà sản xuất dược phẩm và 14% từ các nhà sản xuất mỹ phẩm. Hai lĩnh vực này sẽ được yêu cầu chi trả 80% khoản đầu tư bổ sung cần thiết để loại bỏ các chất ô nhiễm vi mô, 20% còn lại sẽ do các quốc gia thành viên chi trả. Để có hiệu lực thực thi, dự luật này cần được các nước thành viên EU chính thức thông qua.