Nắng nóng đổ lửa khắp châu Á

Năm 2024, thế giới ghi nhận mức nền nhiệt tăng cao kỷ lục và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, châu Á tiếp tục nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh. Do ảnh hưởng hình thái thời tiết El Nino, một đợt nắng nóng đổ lửa đang hoành hành tại các khu vực Đông Nam và Nam Á, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nơi tại Thailand đang hứng chịu đợt nắng nóng cao. Ảnh: THE BANGKOK POST
Nhiều nơi tại Thailand đang hứng chịu đợt nắng nóng cao. Ảnh: THE BANGKOK POST

Nền nhiệt vượt 40oC

Giữa cao điểm mùa khô, Campuchia hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động từ 40 đến 42oC ở một số khu vực. Theo người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia, nhiệt độ có thời điểm lên tới 42oC, đặc biệt ở vùng cao nguyên phía bắc và vùng trung du tây bắc. Thủ đô Phnom Penh cũng ghi nhận nhiệt độ 40oC.

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ duy trì ở mức cao những ngày qua khiến cơ quan chức năng của Lào liên tục cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan. Cục Khí tượng Thủy văn Lào dự báo, Thủ đô Viêng Chăn, khu vực tây bắc, miền trung và nam Lào đều ghi nhận mức nhiệt vượt 40oC.

Theo Cơ quan Khí tượng Myanmar, nhiều khu vực tại nước này ghi nhận nhiệt độ tăng đột biến, không ít địa phương báo cáo mức nhiệt trên 40oC. Dự báo, nhiệt độ ở miền trung và vùng đồng bằng còn tăng cao. Thailand cũng hứng chịu đợt nắng nóng cực độ, có thời điểm nhiệt độ đo được tại tỉnh Lampang ở miền bắc lên 44,2oC. Chỉ số nóng bức (HI) được cảnh báo ở mức cực kỳ nguy hiểm.

Tại Philippines, cảnh báo chỉ số HI cũng được nâng lên mức nguy hiểm, với nhiệt độ vượt 42oC tại nhiều khu vực, gồm cả vùng Thủ đô Manila. Theo Bộ Y tế Philippines, từ đầu năm đến nay có ít nhất 34 trường hợp mắc các bệnh liên quan nắng nóng, trong đó 6 ca tử vong.

Ở khu vực Nam Á, nắng nóng cũng khiến người dân Nepal chật vật chống chọi. Nền nhiệt vượt 40oC tại một số tỉnh miền nam Nepal, trong đó tỉnh Lumbini ghi nhận mức nhiệt 43oC.

Nhiệt độ tại Bangladesh tuần qua đã vượt 42oC và đây là một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất. Tại Thủ đô Dhaka, nhiệt độ cao hơn từ 4 đến 5oC so mức trung bình cùng kỳ trong 30 năm qua.

Hỗ trợ người dân chống chọi

Thông thường, tháng 4 và 5 là khoảng thời gian nắng nóng nhất ở các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á, trước khi mùa mưa bắt đầu. Tuy nhiên, năm nay, El Nino càng khiến nắng nóng nghiêm trọng hơn. WMO chỉ rõ, châu Á đang nóng lên nhanh và mạnh hơn so các khu vực khác.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet chỉ đạo các chính quyền địa phương bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đồng thời hướng dẫn người dân phòng cháy. Bộ Y tế Lào yêu cầu người dân, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh nắng nóng gia tăng. Bộ Y tế Myanmar đưa ra chỉ dẫn giúp người dân bảo đảm an toàn sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài, đặc biệt là ứng phó trước biểu hiện kiệt sức do sốc nhiệt.

Malaysia lần đầu nâng cảnh báo nắng nóng lên cấp độ 1, mức cao nhất, tại 10 khu vực ở nước này. Bộ Giáo dục Malaysia khuyến cáo học sinh, sinh viên trên cả nước uống đủ nước, mặc đồng phục thích hợp thời tiết nắng nóng. Giới chức Thailand cũng ban hành cảnh báo nắng nóng, kêu gọi người dân ở trong nhà để bảo đảm an toàn sức khỏe trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao.

Sau khi cơ quan chức năng Philippines cảnh báo về chỉ số nắng nóng ở mức nguy hiểm, Thủ đô Manila và nhiều khu vực đã tạm dừng các lớp học trực tiếp. Nhà chức trách khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời và tăng cường bổ sung nước cho cơ thể.

Tương tự, trong tuần trước, trường học trên khắp Bangladesh cũng phải đóng cửa do nắng nóng quá mức, khiến hàng triệu học sinh phải nghỉ học. Người dân tập trung cầu nguyện, với các lễ cầu mưa có cả nghìn người tham gia được tổ chức ở Dhaka và nhiều địa phương.