Tầm vóc lịch sử của Hiệp định Geneva
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Cùng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Hội nghị Geneva là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc. “Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao cách mạng Việt Nam đã khẳng định tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, vị thế của một quốc gia có độc lập, chủ quyền và yêu chuộng hòa bình”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Nhân dịp này, đại diện gia đình và thân nhân các thành viên của đoàn đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Geneva đã tới tham dự lễ kỷ niệm. Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ tại Hội nghị Geneva nhớ lại: “Tôi có may mắn được sống cùng ba và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, nên được ba kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva… Bác căn dặn ba tôi, trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia”.
Ngày 8/5/1954, một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva về Đông Dương chính thức khai mạc. Trải qua 75 ngày căng thẳng và phức tạp, thắng lợi của Hiệp định Geneva đã đánh dấu một mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong diễn văn chào mừng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Thắng lợi là kết tinh của tinh thần đấu tranh trong chín năm kháng chiến, là kết quả của sự đoàn kết ủng hộ giúp đỡ của Lào, Campuchia và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, lễ kỷ niệm là dịp để ôn lại lịch sử dân tộc, làm sâu sắc hơn nữa ý nghĩa để từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên”.
Thắng lợi của Hiệp định Geneva cũng là thắng lợi chung của nhân dân ba nước Đông Dương. Đại sứ Lào tại Việt Nam, bà Khamphao Ernthavanh đánh giá: “70 năm đã trôi qua, ý nghĩa của Hiệp định Geneva vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng hòa bình và phát triển của ba nước Đông Dương trong bối cảnh hiện nay. Tình hình khu vực và thế giới hiện nay có nhiều thay đổi, nhưng xu hướng chung vẫn là hòa bình, ổn định, kiến tạo và phát triển. Ba nước đã cùng chống thực dân Pháp xâm lược trong quá khứ, nay càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, ủng hộ lẫn nhau, tạo điều kiện phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu của mỗi quốc gia đặt ra trong từng thời kỳ, đồng thời đóng góp cho sự phát triển, hòa bình và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới”.
Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha cho rằng, lễ kỷ niệm có ý nghĩa to lớn để các thế hệ ngày nay nhớ lại về thời kỳ kháng chiến, những tấm gương anh dũng và sự hy sinh của các anh hùng quân đội Việt Nam đã chiến đấu thắng lợi giành lại nền độc lập từ chế độ thực dân. Bà Chea Kimtha chia sẻ, ý nghĩa lịch sử của hội nghị đã chỉ ra tầm quan trọng của sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Cùng với Chiến thắng Điện Biện Phủ, Hiệp định Geneva đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Theo Bộ Ngoại giao, giai đoạn 1954-1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập.
Các đại biểu tham quan triển lãm về ký kết Hiệp định Geneva. |
Ấn tượng với những bài học từ Hiệp định Geneva
Chia sẻ với phóng viên Thời Nay, các đại biểu có mặt tại lễ kỷ niệm đã bày tỏ ấn tượng với những bài học lịch sử từ “cuộc chiến cân não” là Hiệp định Geneva. Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass tin rằng, việc ký kết Hiệp định Geneva là một sự kiện thật sự quan trọng và rất có ý nghĩa, không chỉ với Việt Nam. Hiệp định là một cột mốc quan trọng trên con đường phi thực dân hóa và là nền tảng của Việt Nam ngày nay.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama kể rằng đã từng đến Điện Biên Phủ nhiều lần và có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về Hiệp định Geneva nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Từ hơn 10 năm trước, ông đã dịch cuốn “Điện Biên Phủ - 5 điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh” sang tiếng Arabia. Ông cho biết: “Đây là tác phẩm đầu tiên được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Arabia và tôi rất tự hào là một người đã đóng góp nhỏ vào việc giới thiệu Điện Biên Phủ cho độc giả Arab”.
Nói về Hiệp định Geneva, Đại sứ Saadi Salama khẳng định: “Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Việt Nam, để lại bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong bất cứ cuộc chiến nào thì độc lập dân tộc vì chính nghĩa sẽ chiến thắng. Nhân dân Palestine chúng tôi luôn theo dõi và đã ghi nhận những thành tựu và thắng lợi của Việt Nam, cũng luôn hướng về những bài học kinh nghiệm đã rút ra. Qua những bài học đó, chúng tôi mong mỏi tìm đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine để chấm dứt cuộc chiến đấu và giành độc lập cho dân tộc Palestine, góp phần vào sự hợp tác, phát triển và hòa bình trên toàn thế giới”.
Đại sứ Cộng hòa Haiti tại Việt Nam, ông Jean Lesly Benoit cũng là người đã công tác tại Việt Nam lâu năm. Trong hơn 10 năm làm việc ở Việt Nam, ông đã tới Điện Biên Phủ vài lần và sẽ quay lại nhân lễ kỷ niệm năm nay. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại sứ Haiti đánh giá cao ý nghĩa và bài học lịch sử từ Hiệp định Geneva. Ông nói: “Tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để nhắc lại bài học lịch sử từ Hiệp định Geneva. Ngày hôm nay, sự thành công, hòa bình, ổn định ở Việt Nam là nhờ vào hiệp định được ký năm 1954 này. Điều đó cho thấy khi tất cả các bên cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán, ký kết và đồng ý một thỏa thuận hòa bình, thì nền hòa bình đó có thể phát triển đến ngày nay”.
Haiti là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Phi giành được độc lập khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp vào năm 1804, do đó, thắng lợi của cách mạng ở Việt Nam cũng có nhiều tương đồng với đất nước của ông Benoit. “Tôi rất tự hào khi có mặt tại đây và vinh dự được sống ở Việt Nam với tư cách là một Đại sứ. Đất nước Việt Nam đã kể một câu chuyện thành công lớn, đó chính là ý nghĩa của tự do, hòa bình và ổn định cần có”, Đại sứ chia sẻ.