Ngẫm nghĩ, bà Mai thấy chính mình và mọi người trong gia đình cũng sử dụng quá nhiều đồ dùng một lần làm từ nhựa. Những sản phẩm rẻ tiền đó thông dụng đến nỗi mua mớ rau, con cá, miếng thịt, bánh kẹo, đồ ăn chín… hay rất nhiều các mặt hàng tiêu dùng nữa cũng luôn dùng đến chúng. Trước đây, đi mua cháo cho trẻ em, bún phở nóng mang về, các con bà xách theo cặp lồng đựng vì sợ độc hại nhưng bây giờ chúng “lười” nên dùng luôn túi nylon, cốc, thìa nhựa của người bán. Tất cả dùng xong là vứt đi không cần phải cất rửa. Nhất là từ dạo thương mại điện tử phát triển, nhà nhà, người người mua hàng online thì các loại xốp, giấy bóng bọc hàng hóa càng nhiều. Chiều qua, trong lúc gặp nhau ngoài đầu ngõ, bà Mai tỏ ý phàn nàn:
- Xem ra bây giờ nhà nào cũng dùng nhiều túi nylon và đồ nhựa dùng một lần quá cô ạ. Tôi nhìn chỗ nào cũng thấy toàn rác thải nhựa thôi, vỏ chai thì còn có người nhặt chứ túi nylon hay các loại xốp thì đầy bãi rác. Môi trường ô nhiễm thế này thì biến đổi khí hậu còn diễn biến khó lường đấy.
Theo một nghiên cứu thì có chưa đến 20% số rác thải nhựa được đem đi tái chế, số còn lại thường bị đốt hoặc chôn lấp. Được biết, thời gian phân hủy của nhựa kéo dài tới hàng trăm năm gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nhựa phân hủy thành những hạt vi nhựa, khi động vật ăn phải và lan truyền trong chuỗi thức ăn gây hại cho sức khỏe con người, làm nhiều loài vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Khi chôn lấp, chất thải nhựa cũng khiến cho đất đai trở nên ô nhiễm, mất khả năng giữ nước, kém dinh dưỡng và dễ bị xói mòn, ảnh hưởng xấu đến cây trồng. Khi đốt nhựa không đúng quy chuẩn có thể tạo ra các chất khí độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Báo đài, nhà quản lý, các địa phương đã tuyên truyền nhiều về việc hạn chế rác thải nhựa. Nhưng cứ quan sát trong đời sống hằng ngày, ở chợ, nơi quán xá, trong gia đình…, các thứ đồ nhựa, vỏ bao bì nhựa, nylon… vẫn tràn lan và xả ra nhiều. Giờ đây, rất cần phải nói tiếp, nói mạnh nữa việc giảm những tác động tiêu cực do rác thải nhựa. Phải yêu cầu cụ thể về kế hoạch phân phối cũng như thu hồi tái chế các sản phẩm nhựa, nylon... Người tiêu dùng cũng cần chọn lựa những sản phẩm bền vững có thể sử dụng được lâu dài. Và cần giảm bớt cho đến nói không với túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Có lẽ việc này nằm ở thói quen, chịu khó chuyển dần sang làn, túi với các vỏ gói, đựng bằng giấy, bìa… thì cũng không đến nỗi phức tạp và mất thời gian như việc lạm dụng túi nylon dùng rồi vứt bỏ ngay như lâu nay.
Lộ trình hướng tới yêu cầu phân loại rác tại nguồn đang ngày càng đến gần hơn. Mong sao đây cũng là cách hiệu quả và triệt để hơn để người dân có ý thức giữ gìn cho môi trường - tương lai của mình và cộng đồng.