Nghệ thuật biến rác thải thành kiệt tác

Rufai Zakari Jabre lớn lên ở Bawku (Ghana). Từ nhỏ, anh và bạn bè đã có sở thích lang thang trên đường phố, nhặt nhạnh những túi nhựa và bao bì thực phẩm, rồi cùng nhau sáng tạo nên những món đồ chơi, mô hình. Niềm đam mê thời thơ ấu này đã theo chân Rufai cho đến hiện tại và trở thành nguồn cảm hứng từ việc sử dụng vật liệu tái chế để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng.
0:00 / 0:00
0:00
Rufai Zakari Jabre tại triển lãm của mình. Ảnh: FUNDACIÓN AMMA
Rufai Zakari Jabre tại triển lãm của mình. Ảnh: FUNDACIÓN AMMA

Theo WePresent, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những lời kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa ngày càng cấp bách, một làn sóng nghệ sĩ trẻ đang chọn cách tiếp cận nghệ thuật mang tính giáo dục, nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Rufai Zakari Jabre là một trong số đó. Nghệ sĩ người Ghana này sử dụng nhựa tái chế và các vật liệu tổng hợp để sáng tạo nghệ thuật, góp phần giải quyết những vấn đề môi trường mà địa phương và toàn cầu đang phải đối mặt.

Lớn lên ở Bawku, Rufai đã quen thuộc với vật liệu tái chế từ khi còn nhỏ. Anh và bạn bè thường xuyên thu nhặt những hộp sữa và vỏ chai nhựa bỏ đi để tạo thành những chiếc ô-tô đồ chơi và tác phẩm điêu khắc. "Sau khi thu thập đủ nguyên liệu, chúng tôi sẽ cùng nhau sáng tạo. Niềm đam mê ấy đã mang lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm vui. Khi đó, tôi không hề nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền từ những thứ tưởng chừng vô giá trị ấy", anh kể lại.

Sau khi chuyển đến Nima, một cộng đồng Hồi giáo ở Accra, Rufai mới bắt đầu theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, anh học nghề với Hashim Hussein hay Mozzay - một trong những nghệ sĩ nổi tiếng ở Nima, người đã truyền cảm hứng sâu sắc cho phong cách nghệ thuật của anh. Sau đó, anh tiếp tục theo học chuyên ngành hội họa tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Ghanatta.

Rufai chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã tạm gác lại công việc vẽ tranh trong một năm để ổn định tài chính. Khi quay trở lại với đam mê, mục tiêu của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi không chỉ muốn vẽ tranh đơn thuần mà còn muốn phản ánh những vấn đề nhức nhối trong xã hội”. Để thực hiện mục tiêu đó, Rufai đã bước ra khỏi xưởng vẽ và hòa mình vào cộng đồng: “Tôi bắt đầu với tư cách là một nghệ sĩ graffiti, sử dụng nghệ thuật để lên tiếng về các vấn đề như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vai trò của người phụ nữ...”.

Để tạo nên những tác phẩm độc đáo của mình, Rufai thu thập nguyên liệu, sau đó rửa sạch, cắt nhỏ và sấy khô. Tiếp đó, anh sử dụng máy ép nhiệt để biến chúng thành các khối vật liệu nén rồi bắt đầu tạo hình tác phẩm. Anh phác thảo ý tưởng trên giấy, sau đó tỉ mỉ cắt gọt từng mảnh vật liệu thành hình dạng mong muốn. Tiếp theo, anh gắn và ghép nối các mảnh vật liệu lên một tấm nhựa lớn và cố định chúng bằng ghim. Sau cùng, anh tô mầu từng mảng nhỏ cho đến khi tác phẩm hoàn chỉnh, kể nên một câu chuyện ý nghĩa.

Hầu hết các tác phẩm của Rufai đều lấy hình ảnh phụ nữ làm trung tâm, với tư thế mạnh mẽ và những trang phục lộng lẫy, rực rỡ. Anh nhận thấy rằng phụ nữ ở Ghana vẫn chưa được công nhận: "Tôi bắt đầu sáng tác nghệ thuật về phụ nữ vì tôi cảm thấy họ luôn chịu sự bất công trong xã hội. Vì vậy, tôi muốn dùng các tác phẩm của mình để tôn vinh, ghi nhận nỗ lực của những người phụ nữ này và dành cho họ những lời khen ngợi xứng đáng".

Bên cạnh việc truyền tải thông điệp xanh qua tác phẩm nghệ thuật, Rufai cũng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường với vai trò giám đốc sáng tạo của hai tổ chức phi chính phủ. Hai tổ chức này thường xuyên phát động các ngày hội dọn dẹp bãi biển, đường phố và chủ trì các hội thảo giáo dục về quản lý chất thải tại các trường học và tổ chức tôn giáo.

Phần lớn thời gian của Rufai dành cho việc truyền bá thông điệp về môi trường và xã hội. Với mỗi tác phẩm nghệ thuật được làm ra, Rufai đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực và đưa cộng đồng của mình hướng tới một tương lai bền vững hơn.