Gieo ước mơ cho người khuyết tật

Một tuyển tập truyện cổ tích mới do phụ nữ khuyết tật Nam Á viết, trong đó các nhân vật nổi tiếng như Lọ Lem, Bạch Tuyết hay Rapunzel đều có những khiếm khuyết trên cơ thể, đã gieo hy vọng, ước mơ cho những người khuyết tật trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa tuyển tập truyện xuất bản tháng 3 vừa qua. Ảnh: RISING FLAME
Bìa tuyển tập truyện xuất bản tháng 3 vừa qua. Ảnh: RISING FLAME

“Bạch Tuyết khiếm thính, Lọ Lem khiếm thị, Rapunzel phải ngồi xe lăn” là những câu chuyện cổ tích cổ điển của châu Âu đã được tái hiện trong tuyển tập truyện mới có tên “And They Lived… Ever After” được xuất bản vào tháng 3, do phụ nữ khuyết tật Nam Á viết lại.

Ý tưởng cho cuốn sách xuất hiện sau một hội thảo trực tuyến do Rising Flame, một nhóm ủng hộ quyền cho phụ nữ khuyết tật tổ chức trong thời kỳ đại dịch. Trong hội thảo này, người tham gia đã tìm cách kể lại câu chuyện bằng cách đan xen những trải nghiệm về bệnh tự kỷ, khiếm thị, rối loạn thần kinh, khiếm thính hoặc giảm khả năng vận động. “Khi người khuyết tật không thấy vị trí của họ trong những câu chuyện cổ tích thì có thể đó không phải là những kết thúc có hậu”, Nidhi Ashok Goyal - người sáng lập Rising Flame cho biết.

Parita Dholakia, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở Mumbai (Ấn Độ) bị khiếm thính. Dholakia đảm nhận viết về nhân vật Rapunzel (Người đẹp tóc mây). Trong phiên bản của cô, Rapunzel bị khuyết tật và ngồi xe lăn. Dù vậy, hoàng tử vẫn sẵn sàng cõng cô đi khắp nơi để nhìn ngắm thế giới. Dholakia hy vọng, những câu chuyện trong tập truyện mới được ra mắt sẽ khiến độc giả nhận ra cuộc sống của những phụ nữ khuyết tật, cộng đồng người yếu thế trong xã hội Nam Á, cũng phong phú như bất kỳ người khỏe mạnh nào khác.

Theo The Guardian, những người khuyết tật ở Nam Á, đặc biệt là phụ nữ thường bị xã hội xem nhẹ. Thậm chí, họ nhận sự ghẻ lạnh từ chính gia đình mình. “Nhiều bậc cha mẹ không coi đứa con khuyết tật là con mình và họ ít khi thừa nhận tình trạng của con cái và cung cấp hỗ trợ y tế”, Goyal nhận định. Cô mong rằng, cuốn sách mới ra đời sẽ góp phần gieo hy vọng, ước mơ cho những phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, đồng thời thay đổi quan niệm về đối tượng này trong xã hội.