Nguồn sống đến từ... kem

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu buộc người dân bang Rajasthan phải rời bỏ nhà cửa, một ngành công nghiệp mới đã mở ra ở bang có phần lớn diện tích là sa mạc này giúp cuộc sống của nhiều người thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Kem đã trở thành nguồn thu cho người dân làng Gangapur. Ảnh: THE GUARDIAN
Kem đã trở thành nguồn thu cho người dân làng Gangapur. Ảnh: THE GUARDIAN

Từ tháng 11 của năm trước tới tháng 2 năm sau, các xưởng ô-tô dọc theo khu chợ bụi bặm dài hàng km của ngôi làng khô cằn ở Gangapur, bang Rajasthan bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Hàng nghìn phương tiện được trang trí sặc sỡ để chuyển đổi thành những xe tải bán kem. Bắt đầu từ tháng 3, trên những chiếc xe kem, dân làng bắt đầu di cư đến các thị trấn và thành phố xa xôi, nơi họ sẽ bán món ăn tráng miệng này trong 9 tháng.

The Guardian cho biết, dân làng ở phía tây bắc Ấn Độ sống trong cảnh túng thiếu khi hàng thập kỷ qua, khan hiếm nước đã hủy hoại năng suất nông nghiệp và sinh kế của các gia đình. Việc kinh doanh kem đã tạo ra cả một “ngành công nghiệp” ngay trong làng Gangapur, mang lại thứ quý giá nhất đối với người dân, đó là việc làm. Số lượng cửa hàng sửa chữa xe và cửa hàng bán đồ dùng làm kem đã tăng từ 50 năm 2015 lên khoảng 500 hiện nay. Hằng năm, ước tính có khoảng 50 nghìn xe tải được chuyển đổi thành xe bán kem. Ngay cả các nhà in địa phương cũng đang thuê nhân viên để sản xuất các áp-phích quảng cáo kem và các món tráng miệng.

“Khu vực này phục vụ 500 xe tải nhỏ mỗi ngày trong mùa cao điểm từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau”, Kalu Mohammad Pathan, chủ một xưởng ô-tô tại Gangapur cho biết. Những chiếc xe tải kem này đã trở nên phổ biến trên khắp các thành phố ở Ấn Độ. Có thể dễ dàng nhận biết chúng bằng những tấm áp-phích rực rỡ và đèn neon. Pathan chia sẻ thêm: “Chúng tôi kiếm đủ tiền trong mùa này để tồn tại trong năm. Nếu không có sự di cư để bán kem, người dân ở những ngôi làng chung quanh Gangapur sẽ vẫn nghèo khó. Ở đây không có nước, không có việc làm. Nhưng giờ đây đã có việc làm cho người dân. Mỗi xưởng đã tạo ra hơn 10 việc làm”.

Theo Dữ liệu của Bộ Thống kê Ấn Độ, ước tính có khoảng 140 triệu người Ấn Độ rời quê hương để tìm việc làm tại các công trường và nhà máy xây dựng, hoặc làm công ăn lương hằng ngày ở các bang khác. Rajasthan, nơi nổi tiếng với những pháo đài hùng vĩ, các cuộc thám hiểm sa mạc, cung điện và đền thờ, là một trong những bang của Ấn Độ ghi nhận số lượng người di cư sang các bang khác cao nhất. Cuộc di cư khỏi Rajasthan được thúc đẩy bởi khí hậu khắc nghiệt của khu vực này khi lượng mưa thấp dẫn đến việc không thể sản xuất nông nghiệp.

Người dân ở Gangapur không thể nhớ được trận mưa gần nhất. Những đợt hạn hán nghiêm trọng vào đầu thế kỷ này đã phá hủy mùa màng, khiến gia súc chết đói. Những hình ảnh đó vẫn còn in sâu trong ký ức của họ. Đó là lúc số người tìm việc bên ngoài Rajasthan bắt đầu tăng lên. Trong số những người rời đi có Kanhaiya Prajapati. Prajapati quyết định đến Gorakhpur ở bang Uttar Pradesh vào năm 2005 khi chỉ 16 tuổi. “Sau bốn tháng đi bán kem cùng một người họ hàng, tôi trở về nhà với 5.000 rupee (khoảng 60 USD). Đó là số tiền kha khá và năm sau tôi quyết định phải có một chiếc xe bán kem của riêng mình”, Prajapati cho biết.

Trong thập kỷ qua, khoảng 100 người từ ngôi làng gồm 350 người của Prajapati đã đi theo con đường bán kem khắp các nẻo đường ở Ấn Độ. Bhairav ​​Lal Dhangar, 31 tuổi, hào hứng nói: “Gia đình tôi có thể sống được nhờ việc kinh doanh này. Tôi không thể đóng cửa hàng này dù chỉ một ngày. Tôi đã thuê một xưởng nhỏ ở Manasa và để tự làm kem. Tôi có thể tiết kiệm ít nhất 15 nghìn rupee (khoảng 180 USD) mỗi tháng để gửi về cho gia đình, điều mà ở làng tôi không thể làm được”.

Nguồn tiền gửi về đã giúp các gia đình ở quê nhà xây nhà bê-tông, đào giếng nước và lắp đặt hệ thống tưới tiêu cho trang trại của họ. Được truyền cảm hứng từ sự thành công của những người đàn ông di cư, ngày càng nhiều dân làng bắt đầu đi bán kem ở các khu vực lân cận. Bán kem đã trở thành một nghề đem lại nguồn thu nhập nuôi sống nhiều người dân tại Gangapur trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay.