Thách thức nghề săn mật ong ở Nepal

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang khiến nghề săn mật ong truyền thống vốn là nguồn thu nhập cho nhiều người dân ở khu vực Himalaya (Nepal) bị ảnh hưởng nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Một người dân hun khói lùa ong ra khỏi tổ. Ảnh: REUTERS
Một người dân hun khói lùa ong ra khỏi tổ. Ảnh: REUTERS

Sau khi dùng khói để lùa ong ra khỏi tổ, ông Aita Prasad Gurung đội một chiếc mũ có lưới bảo vệ, đu dây lên vách đá, cẩn thận điều khiển một cây sào dài gắn lưỡi dao để cắt những tổ ong xuống. Người đàn ông 40 tuổi này xuất thân trong ngôi làng gần dãy Himalaya ở Nepal, nơi có nghề truyền thống săn mật ong. Tuy nhiên, giờ đây nghề thủ công này đang bị đe dọa khi một số chuyên gia cho rằng, nhiệt độ tăng do BĐKH làm gián đoạn sự phát triển của ong, nguồn thức ăn sẵn có của chúng và thậm chí cả quá trình thụ phấn của thực vật. Ông Bahadur Gurung, 49 tuổi, một người làm nghề săn mật ong khác tại khu vực này cho biết: “Năm ngoái có khoảng 35 tổ ong, bây giờ chúng tôi chỉ còn 15 tổ”.

Theo Reuters, nhiều thế hệ thuộc cộng đồng Gurung ở Taap, cách Thủ đô Kathmandu khoảng 175 km về phía tây và các ngôi làng khác ở một số huyện lân cận Lamjung và Kaski, đã lùng sục những vách đá dốc đứng ở dãy Himalaya để lấy mật ong. Mật ong được bán với giá 2.000 rupee Nepal (1,5 USD) một lít. Số tiền thu được chia đều cho các nhóm trong cộng đồng nghề này, dù một số người kiếm sống từ việc trồng lúa, ngô, kê và lúa mì. Ông Hem Raj Gurung, 41 tuổi, cho biết, với lượng mật ong có sẵn ít đi mỗi năm, thu nhập từ việc săn mật ong đã giảm trong thập kỷ qua. “10 năm trước, chúng tôi thu hoạch khoảng 600 kg mật ong, con số này giảm xuống còn khoảng 180 kg vào năm ngoái và chỉ còn khoảng 100 kg trong năm nay”, ông Gurung nói thêm.

Một số chuyên gia nhận định, BĐKH khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm lượng mật ong, nhưng cũng tồn tại những nguyên nhân khác như nạn phá rừng, chuyển nước từ sông suối cho các đập thủy điện và sử dụng thuốc trừ sâu. Theo dữ liệu của LHQ, nhiệt độ ở dãy Himalaya - nơi có những đỉnh núi cao nhất thế giới, cao hơn mức tăng trung bình toàn cầu là 1,2oC so thời kỳ tiền công nghiệp,

Bà Suruchi Bhadwal, người đứng đầu ngành Khoa học trái đất và BĐKH tại Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ (TERI) cho biết, các nghiên cứu toàn cầu chỉ ra rằng nhiệt độ tăng dù chỉ một độ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của ong, nguồn thức ăn sẵn có và sự thụ phấn chéo của thực vật. “Nghiên cứu cho thấy BĐKH đang làm gián đoạn chuỗi thức ăn của ong và sự ra hoa của thực vật, gây ảnh hưởng đến quần thể của cả hai loài trên khắp thế giới. Xét các mô hình và những gì chúng ta đang nói đến, tôi nghĩ các mô hình này giống nhau ở Nepal”, bà Bhadwal nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Surendra Raj Joshi, chuyên gia về sinh kế bền vững tại Trung tâm Phát triển núi quốc tế (ICIMOD) ở Kathmandu cho biết, BĐKH đang ảnh hưởng đến loài ong sinh sống trên các vách đá ở Himalaya theo nhiều cách khác nhau. “Dấu hiệu dễ thấy nhất của BĐKH là thời tiết thất thường. Mưa quá nhiều hoặc quá ít, mưa dữ dội hoặc thất thường, khô hạn kéo dài hoặc nhiệt độ dao động cao sẽ gây căng thẳng cho ong mật trong việc duy trì sức mạnh đàn và trữ lượng mật ong”, ông khẳng định. Không chỉ vậy, những thay đổi trong vòng đời của thực vật cũng làm chúng ra hoa sớm hoặc muộn, gây nên sự biến động trong quá trình tiết mật hoa và dịch ngọt.

Một số chuyên gia cho rằng, lũ lụt và lở đất cũng tác động đến môi trường sống, làm thu hẹp các khu vực mà ong có thể tìm kiếm thức ăn. Ông Joshi, cũng là một chuyên gia nghiên cứu ong cho biết, sự suy giảm số lượng ong dẫn đến sự thụ phấn không đủ cho các loại cây trồng trên núi cao và hệ thực vật hoang dã. “Sự suy giảm này cũng sẽ tác động đến nền kinh tế nông thôn, vì săn mật ong là một nghề truyền thống, nó còn đang nổi lên như một hoạt động du lịch sinh thái quan trọng. Ngoài mật ong và sáp ong, cộng đồng sẽ mất thu nhập từ du lịch”, ông Joshi khẳng định.