Nghề neo miền gió

Chín giờ ba mươi đêm mà rạp vẫn chưa xong. Lễ gia tiên xong rồi, thằng chú rể mệt quá nên đi ngủ mất. Ngoài sân, dãy nhà rạp dài hai mươi mét vẫn còn quăng qua quật lại vì gió quá, dựng mãi chưa xong phần khung cuối cùng. Tám thanh niên nhà rạp đang ngồi trên tấm bạt khá to. Thùng cơm vốn là thùng nước đá, chủ rạp bới cơm vào đó, ý rằng sẽ giữ ấm cho cơm, ai dè suốt ngày nên nó đã nguội và bị nén lại. Tôi luôn tay dọn những món chả giò, thịt nguội, chả lụa, gà quay, heo sữa, bánh hỏi… từ mâm bàn vào bếp vì chẳng mấy ai đụng đũa.
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Gió đêm ở đâu bỗng thổi giật một phen làm tấm bạt của anh em nhà rạp đang ngồi cũng bị úp ngược. Dĩ nhiên không ai đủ lanh lẹ để bưng thức ăn lên. Vậy là mâm cơm đầy gió cát. Nhìn họ đứng dậy dụi mắt mũi rồi chắt lưỡi vì mâm cơm chưa xong mà đã bị hư mất. Tôi chợt thấy thương cảm vô cùng. Trong khi con tôi đã ngủ ngon thì những thanh niên trẻ ở đây phải ăn cơm trong gió cát. Tôi gọi trưởng nhóm:

- Thành ơi, kêu hết mấy anh em vô ăn cơm nè. Cô mời!

- Dạ thôi cô ơi, tụi con ăn đỡ vầy cũng được rồi. Ai lại ngồi bàn như khách đi đám cưới vậy!?

- Cô mời mà. Anh em nhà rạp ăn xem như chung vui với chú rể, với gia đình cô vậy! Không ăn, ế à!

Ý tôi là “ế” thức ăn nhưng bỗng chàng trai trẻ tay đầy hình xăm, chừng mười bảy, mười tám liến thoắng:

- Dạ con ăn liền! Con hông chịu ế đâu cô! Con phải có vợ để được cất cái rạp hoành tráng lệ như anh Tấn chứ!

- Phải đó cô, bữa anh Tấn chọn mẫu rạp Vip nhất trong ca-ta-lô của dịch vụ làm con hết hồn luôn!

- Anh Thành, anh Thành, anh muốn ế không? Không muốn ế thì ăn tiệc cô mời kìa! Để mai này cưới dzợ sẽ cất cái rạp hai mươi bốn “củ” như anh Tấn!

Nhóm trai trẻ nhao nhao khiến trưởng nhóm tên Thành cũng không còn từ chối nữa. Họ ngồi vào bàn ăn, nhưng tuyệt đối từ chối bia rượu vì “Tụi con còn phải làm cho xong trước mười hai giờ nữa cô”. Vậy là những chiếc miệng khỏe khoắn thi nhau gắp, nhai những đĩa thức ăn ú ụ trên bàn. Chàng trai trẻ tay xăm vừa ngốn miếng heo quay vừa nói:

- Trời ơi, con theo nhóm anh Thành cả hai năm nay, mà bữa nay mới được chủ nhà cho ăn cưới đã miệng luôn cô!

Chàng tên Thạch chen vào:

- Phải đó, cô tốt bụng ghê! Kiểu mẹ chồng này con dâu thích lắm, vì sẽ thương nó, không bắt bẻ như trong phim!

Thanh niên có dáng vóc nhỏ nhất, tên Tí bảo:

- Ước gì sau hôm nay, cô nhận con làm con nuôi luôn là đời con lên hương!

Tôi cười xòa cho những lời lẽ vui vẻ của các thanh niên trẻ. Rằng “Tí ơi, cô có ba thằng, cô ớn lắm rồi. Hông dám nhận thêm thằng nào nữa đâu”. Rồi thanh niên xăm tay bảo:

- Con không cha mẹ, sống với bà ngoại từ lúc sáu tuổi. Theo học culi thợ hồ hai năm nhưng học không được. Đến mười sáu tuổi thì biết được dịch vụ rạp cưới “Thành Wedding” nên đầu quân vào. Hai năm nay anh Thành cho lương cũng ổn, nhưng thật sự được chủ nhà mời một mâm tiệc như vầy là chưa có lần nào đó cô!

- Tội nghiệp không. Rồi bà ngoại con còn khỏe không?

- Dạ còn cô, bảy mươi bốn tuổi, hàng ngày bà đi bán vé số được trăm tấm ạ!

- Con đăng ký nghĩa vụ chưa?

- Dạ rồi cô, nhưng con đang hoang mang, người thì nói con khỏe mạnh vầy chắc chắn sẽ “dính”. Người thì bảo học mới lớp 4 thì không phải đi nghĩa vụ đâu. Bà ngoại con thì nói, muốn con đi nghĩa vụ cho “nên người”. Mà con thì cầu trời cho con lọt sổ, vì đi rồi, ai ở nhà làm nuôi bà ngoại? Bà bị bệnh cao huyết áp, thấp khớp nên hay cao máu bất tử đó cô!

Tôi chợt thấy chạnh lòng với câu chuyện của bà cháu thanh niên xăm hình. Dù biết rằng, chắc vì hoàn cảnh nào đó nghiệt ngã lắm nên mẹ của cậu chàng mới bỏ lại con mình cho mẹ già. Tôi nhẹ nhàng bảo:

- Xe con mầu gì, để cô gửi gói thức ăn về cho ngoại con dùng lấy thảo nha!

- Dạ thôi cô, kể chuyện nghe cho vui chứ con không có ý xin cô cái gì đâu ạ!

- Này cô tự cho mà! Còn đây, tám anh em, boa mỗi đứa một trăm uống cà-phê nhé!

- Woa… cô tốt bụng vãi! Mẹ anh Tấn vạn tuế! Vạn Vạn tuế!

- Chúc anh Tấn trăm năm răng long đầu trọc!

- Trời ơi… vái ông bà ông vãi, đi cất rạp nào cũng được chủ nhà boa vầy cho đời con lên hương!

*

Chùm đèn lưu ly xoay quanh khu vực Backdrop khiến cho triệu đóa hoa hồng như bừng sáng. Thêm tấm phông dây đèn giọt mưa lấp lánh của khu vực chụp ảnh này, càng làm cho độ sang chảnh kệch cỡm không thích hợp lắm với một cặp vợ chồng làm công nhân như con trai tôi.

Nhưng biết sao được, con bảo “Đời người chỉ cưới một lần hoành tráng thôi mẹ. Thương con thì mẹ gật đầu đi mẹ, tiền vợ chồng con lo hết, mẹ chỉ ngồi im nhận chức mẹ chồng thôi mà”. Ừ thì tiền của nó, quả thật cái đám cưới này, tất tần tật các khoản tiền đều con lo hết.

Riêng tôi có lẽ tính tiết kiệm đã ăn sâu vào xương tủy của một bà mẹ nghèo bán buôn trên cái “chợ di động” để nuôi con. Thì bao nắng gió, đã táp vào mắt, vào mũi từ tuổi trẻ đến trung niên đến nỗi không có loại kem dưỡng nào bóc được lớp da cháy nám nữa. Bao cơn mưa sa đã tạt vào tấm lưng bé nhỏ suốt hàng chục năm nên chứng “phổi ứ nước” đã một vài lần đưa tôi vào bệnh viện. Thì với tôi “tiết kiệm là quốc sách” là đúng rồi. Ngày con mang mẫu rạp cưới về, tổng chi phí cho cổng hoa, sân khấu, bàn gia tiên, nhà rạp, backdrop, giàn nhạc là ba mươi triệu đồng làm tôi tái mặt. Có lẽ thấy sự khó thở của bà mẹ “siêu tiết kiệm” nên con trai làu bàu:

- Thôi… vậy con sẽ giảm một chút cho mẹ vui. Tại mẹ không biết thôi, con đi dự nhiều tiệc cưới rất sang trọng của bạn bè. Mà giờ mình làm đơn giản quá thì coi không được mẹ à.

Tôi bảo con trai:

- Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng con ạ. Như nhà chúng ta thì mẹ biết, tất cả tiền bạc con đã dồn vào đám cưới, đến nỗi có thể là sau cưới con sẽ không còn một khoản tiền dư nào. Vậy rồi nếu vợ bầu bì, thai nghén hoặc nghỉ việc để dưỡng thai thì con lấy khoản nào để nuôi vợ con? Ai chẳng biết đời người một lần cưới hoành tráng nhất nhưng đám cưới chỉ là bắt đầu của cuộc sống hôn nhân thôi con trai à!

Con trai tôi nghe lời mẹ, nên từ rạp cưới ba mươi triệu, nó đã bớt xuống còn… hai mươi bốn “củ”.

*

Gió đêm bỗng dưng tràn về những cơn trốt xoáy làm cho giàn đèn trên sân khấu bị ngã xuống rối tung, bóng đứt, bóng bể.

Anh Thành la oai oái:

- Trời đất ơi! Thằng nào phụ trách giàn đèn này mà cột không chắc gì hết vậy?! Mai xong việc về biết tay tao! Thằng Tí, thằng Đen theo tao về chở giàn đèn khác coi! Năm thằng còn lại lo trang trí cho nhanh nhen!

Tôi bước ra cùng mấy ly cà-phê đá mời các chàng trai trẻ.

- Này mấy trai! Uống cà-phê cho đỡ buồn ngủ nè!

- Dạ cảm ơn bà chủ nhà vạn tuế! Sao cô biết tụi con buồn ngủ vậy?

- Khuya rồi, ai không buồn ngủ? Mà để tụi con phải làm khuya thế này là lỗi cũng tại bên cô một phần. Cô xin phép cất rạp nhưng địa phương không cho cất sớm, vì nhà ở trục đường chính, cản trở lưu thông, phải cận ngày mới được cất.

- Dạ tụi con hiểu, chưa kể sáng rước dâu là đầu giờ chiều phải dỡ rạp nữa cô!

- Dạ nghề dạy nghề nên tụi con gặp hoài à cô! Chưa kể có khi còn bị đánh tét đầu chảy máu nữa cô!

- Ủa ai đánh?

- Dạ thì do trước đó chủ nhà không có mối quan hệ tốt với hàng xóm. Đến khi nhà có đám cưới thì họ không cho cất rạp ngang nhà họ. Vậy là…thợ cất rạp bị đánh! Đầu thằng Thạch có một lõm không tóc nè cô, thẹo của ba tháng trước bị ông đó đập bằng khúc cây 4x6 cm tét da chưa mọc tóc lại!

Thanh niên tên Đại kéo nón của thanh niên tên Thạch xuống, lộ ra một lõm da đầu trắng hếu to bằng cái ly uống trà khiến tôi phải quay mặt vì lòng chợt nhói.

Đại nói tiếp:

- Còn con thì ba năm trước, vào mùa cưới đó cô, cũng là mùa Tết mà, nhiều gió lắm. Đang cùng anh em lắc lư lắc lư chống giàn rạp lên thì gió quật xuống. Đè bốn thằng, con bị nặng nhất, gãy tay cái rắc. Nên giờ con không phải tay thường nha cô! Tay cán vá đó!

Cả bọn vừa cười nói, vừa cắm những đóa hoa vải hồng, cúc, thược dược, cẩm tú cầu, hướng dương… lên khu vực sân khấu sao cho đẹp đẽ nhất trong mắt họ. Tôi nhìn gần chục túi nylon còn đầy hoa dưới đất, mà kim đồng hồ đã nhích về con số 11 giờ đêm nên nảy ra sáng kiến:

- Khuya rồi, các con cắm nhiêu hoa này đủ rồi. Số còn lại cất lên xe tí chở về đi! Khỏi cực công cắm thêm, ngày mai cũng khỏi cực công tháo nhiều! Mệt lắm!

Thạch đưa tay hất hất mái tóc bảo:

- Trời ơi, bà chủ nhà nào cũng dễ tính như cô chắc tụi con ngồi mát ăn bát vàng quá!

Đại đáp:

- Dạ cảm ơn cô. Nhưng tụi con không dám làm như vậy đâu. Vì làm sai mẫu, chú rể xem hình cưới xong là “bẻ kèo” tụi con vi phạm hợp đồng, mất khách ạ!

Tôi thở dài khi nhìn đống hoa trái, cỏ cây đầy mầu mè cùng mớ đây đèn, giá đèn, chân đèn… lổn ngổn dưới chân đám thợ trẻ. Chỉ biết dặn họ cố lên, mệt thì nghỉ, bánh nước cô để sẵn trên bàn, tự nhiên ăn uống.

Có lẽ cuộc sống này ai cũng phải neo mình nơi miền nắng gió để mưu sinh. Chỉ là mỗi cơn gió khác nhau, có cơn gió mát lành thơm ngát, có cơn gió mang bao bụi bặm rát lạnh đời người…