Nói không với smartphone
"Đây là điện thoại của tôi. Lần gần nhất, nó được lật mở cách đây khoảng ba giờ", Ann Makosinski chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. "Các nhân viên an ninh sân bay luôn ngạc nhiên khi vẫn còn có người sử dụng loại máy nắp gập cũ rích như vậy, còn tôi chẳng thấy bất kỳ vấn đề gì".
Khác với số đông, cô gái trẻ sống trên hòn đảo Victoria (Vancouver, Canada) không sử dụng điện thoại suốt những tháng năm trung học. Trước thời điểm vào đại học bốn tháng, Ann Makosinski đã chọn mua chiếc điện thoại nắp gập kiểu cũ chỉ để nghe gọi cơ bản, thay vì điện thoại thông minh.
Thực tế, dù vẫn nhận được tình yêu và sự quan tâm chăm sóc của gia đình, cô gái trẻ người Canada lại lớn lên theo cách chẳng giống ai. Ann không được người lớn mua cho những món đồ chơi hiện đại như Nintendo, Wii hay Xbox… Thứ cô nhận được khi còn nhỏ là khẩu súng bắn keo nóng để tự chế đồ chơi cho riêng mình. Sự sáng tạo là yêu cầu bắt buộc, dựa trên mục tiêu duy nhất: Làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu giải trí cá nhân?
"Một số đồ chơi tôi được tặng có phần hơi kỳ quặc, như hộp bóng bán dẫn hay các linh kiện điện tử… Nhưng, chúng giúp tôi tự tin tạo ra mọi thứ chỉ bằng đôi tay mình. Đây cũng là kỹ năng quan trọng đang mai một ở thời điểm hiện tại. Thay vì mải mê khua phím chiếc smartphone để trò chuyện bốn phương trên các trang mạng xã hội, luôn có cả tá vấn đề đang chờ bạn giải quyết, nếu bạn yêu thích việc sáng tạo nên mọi thứ. Hãy đặt chiếc điện thoại của bạn xuống ít nhất nửa giờ mỗi ngày, để dành thời gian khám phá những sở thích ẩn giấu bên trong", Ann bộc bạch.
Thiết bị chiếu sáng cho người nghèo
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ gia đình trong việc nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, phát minh giúp thay đổi cuộc đời Ann Makosinski lại được truyền cảm hứng từ bạn bè. Một người bạn ở Philippines đã kể Ann nghe về nỗi buồn khi thi trượt bài kiểm tra, do gia đình không có điện để học bài vào ban đêm. Điều này vô tình làm cô bé Canada nhớ lại tuổi thơ phải tự tìm cách tạo ra đồ chơi cho riêng mình.
"Thế giới vẫn còn hàng triệu người sống không có điện. Vậy tại sao chúng ta không cố gắng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vấn đề ấy. Thế rồi, ý tưởng điên rồ về chiếc đèn LED đã hình thành", Ann hé lộ.
Với mục tiêu tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế để tất cả mọi người trên thế giới có thể sử dụng một cách bền vững, chiếc đèn LED của Ann Makosinski hoạt động bằng hiệu ứng nhiệt điện mà không cần pin hoặc động năng. Sản phẩm tạo ra ánh sáng rực rỡ ở nhiệt độ tối thiểu là 50 độ C, và đạt công suất lên tới 5,4mW.
Phần bên trong đèn bao gồm một ống nhôm để không khí có thể lưu thông, làm mát các mặt của bốn tấm đệm lót được gắn vào ống trụ đèn pin. Mặt còn lại được làm ấm bằng nhiệt từ bàn tay người cầm, và sẽ tạo ra đủ năng lượng để phát sáng. Sản phẩm này còn bao gồm cả bộ sạc năng lượng mặt trời cho phép việc giữ điện tích và giúp kéo dài thời gian sử dụng vào ban đêm. Phát minh của Ann giúp cô lọt vào danh sách "Những người trẻ tuổi tiêu biểu có khả năng thay đổi thế giới" của tạp chí Time.
Ðiểm tựa là gia đình
Sự thiếu hụt đáng kể những nhà sáng tạo nữ giới trong lĩnh vực khoa học-công nghệ hiện đại khiến câu chuyện của Ann Makosinski càng thêm ấn tượng. Phần lớn các bé gái đều quan tâm đến khoa học khi còn nhỏ, nhưng sự hứng thú thường mai một dần theo thời gian. Ann thổ lộ rằng cô cảm thấy áp lực phải hòa nhập cùng các bạn gái khác, nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình, cô càng thêm quyết tâm theo đuổi con đường riêng của mình.
Dù bố mẹ Ann luôn lo lắng về việc có nên cho con mình đồ chơi hay không, quá trình khuyến khích con sáng tạo mọi thứ ngay từ đầu đã trở thành yếu tố then chốt giúp cô gái trẻ phát triển rực rỡ như hôm nay. Cha của cô, ông Arthur Makosinski, nhấn mạnh: "Tôi luôn khuyến khích sự tò mò của các con, kể cả sở thích tháo tung để rồi lắp ghép lại tất cả các đồ vật của chúng. Hồi còn nhỏ, tôi luôn bị mắng vì những điều tương tự".
![]() |
Ann Makosinski say mê chơi với khoa học từ thơ bé. |
Ở trường trung học, Ann từng khá thiếu tự tin khi mang bộ tóc ngắn, đeo kính và mặc y phục như… các bạn nam sinh. Lối sống khác biệt rõ ràng đã thúc đẩy mối quan tâm của cô với khoa học, nhưng cũng khiến cô không phải lúc nào cũng hòa nhập được với bạn bè.
Nhận ra sự thiếu sót của bản thân, Ann Makosinski đi tìm sự cân bằng giữa khoa học và nghệ thuật. Cô đã khắc phục điều này bằng cách trở thành sinh viên chuyên ngành văn học Anh, trong khi vẫn nỗ lực theo đuổi niềm đam mê khoa học. Sáng tạo tiếp đó - eDrink, là phát minh tận dụng nhiệt dư thừa của đồ uống nóng để chuyển đổi thành điện năng giúp sạc các thiết bị di động.
Sau khi được Time vinh danh vào năm 2013, tới năm 2018, Ann tiếp tục giành được bốn giải thưởng lớn tại Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel. Không những vậy, cô gái đầy sáng tạo ấy còn trở thành đại sứ toàn cầu cho dòng sản phẩm áo lông cừu Heattech của Uniqlo, do loại áo này dùng phương pháp thu nhiệt lượng tương tự cách hoạt động của chiếc đèn LED trước đây. Rốt cuộc, những phát minh của cô đã được ứng dụng trên toàn cầu.
Hiện tại, Ann Makosinski nỗ lực nghiên cứu những phát minh mới, viết sách và phát triển một chương trình truyền hình. Lời khuyên để thực hiện những việc này thoạt nghe có vẻ sẽ gây tranh cãi, nhưng Ann thật sự tin rằng "việc ngắt kết nối (điện thoại) sẽ giúp bạn sáng tạo nhiều hơn. Nếu cộng lại những phút giây kiểm tra tin nhắn hằng giờ, bạn sẽ giật mình về tổng thời gian sao lãng khi sử dụng các thiết bị di động. Và dù không sở hữu điện thoại lúc nhỏ đã hạn chế việc giao tiếp với bạn bè, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bỏ lỡ cuộc sống chỉ vì không có nó".
Muốn sử dụng thời gian hiệu quả nhất: Hãy tính đến khả năng tắt điện thoại, và không bật nó lên. Như Ann…