Toàn diện và cụ thể
Khảo cổ học đã có nhiều phát hiện quan trọng, lấp dần những khoảng trống nhận thức về tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam. Những vấn đề bản chất, nguồn gốc, địa bàn phân bố, loại hình di tích, di vật cũng như đời sống của cư dân các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Chăm Pa, Óc Eo ngày càng được làm sáng tỏ hơn. Những hiện vật của các nền văn hóa này được trưng bày như những bộ phận cấu thành trong một thể thống nhất và phong phú của nền văn hóa chung Việt Nam ngày nay.
Người xem triển lãm dễ dàng tiếp cận những hiện vật tiêu biểu của các giai đoạn, từ các nền văn hóa đã được lựa chọn công phu: trống đồng, rìu, mũi tên đồng, công cụ sản xuất... của văn hóa Đông Sơn; Các tác phẩm điêu khắc đá với thể khối lớn của văn hóa Chăm Pa như tượng sư tử, tượng garuda, tượng asura sinh ra từ miệng makara, phù điêu tu sĩ, bia ponaga, tượng mukhalinga bằng đá sa thạch ở Mỹ Sơn (Quảng Nam); Nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí hình thần vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời… của văn hóa Óc Eo; Những dấu tích vật liệu xây dựng thành cổ thời phong kiến như: ngói trang trí uyên ương, gạch xây thành… được tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình), ở thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Những hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ 15-16), đồ thủy thủ đoàn từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm… cho thấy một nền sản xuất hàng hóa và giao thương đã phát triển... Các hiện vật còn cho biết từ rất sớm đã có sự giao lưu giữa các trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam qua một số trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại Phú Chánh (Bình Dương).
Thành công tại Đức và lợi ích lâu dài với Việt Nam
Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (23-9-1975) và 25 năm ký hiệp định văn hóa hai nước Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức (10-5-1990 - 10-5-2015), với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức và sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trưng bày này đã đến với công chúng và các nhà khoa học Đức, từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2018. Tại ba bảo tàng: Bảo tàng khảo cổ học bang Westfalen, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz, Bảo tàng Reiss-Engelhorn, đã có hơn 100 nghìn lượt người đến thăm trưng bày.
Lần đầu tiên có mặt ở Đức một trưng bày có quy mô lớn, có số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng Việt Nam. Hình ảnh văn hóa Việt Nam từ quá khứ được hiện lên qua những hiện vật cụ thể. Cũng qua quá trình trưng bày, các cán bộ văn hóa, bảo tàng Việt Nam có được thêm kiến thức, kinh nghiệm, được tiếp cận với các phương pháp bảo quản hiện vật tiên tiến nhất. Nhiều trang thiết bị chuyên dụng hiện đại cũng được phía Đức chuyển giao cho Việt Nam.
Cùng với trưng bày, một cuốn catalogue được trình bày công phu với những bài chuyên khảo của các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu thế giới, với hàng nghìn bức ảnh tư liệu quý được hai bên phối hợp biên soạn và xuất bản. TS Andreas Reinecke, giám tuyển chính của trưng bày, cho biết: “Cuốn catalogue của triển lãm đặc biệt này dày tới hơn 600 trang. Tác phẩm này ẩn chứa nội dung rất lớn hướng dẫn về ngành khảo cổ học và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Đức. Có lẽ nó còn giá trị cho 20 năm tiếp theo. Riêng phần hiện vật đã có nhiều cái mới mà người ta không tìm thấy trong các tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, hứa hẹn những tranh luận hấp dẫn trong tương lai”.
Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ kéo dài đến tháng 7-2018.