Khó khăn cấp phép
Ngành công nghiệp điện ảnh đã tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế địa phương, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, thu hút đầu tư và khách du lịch; thúc đẩy các ngành hạ tầng khách sạn, vận tải, ăn uống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim… phát triển. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn cần giải pháp đồng bộ tháo gỡ vẫn là việc cấp giấy phép cho cá nhân, doanh nghiệp, các nhà làm phim khi đến Việt Nam.
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đã thẳng thắn gọi những khó khăn của các đoàn làm phim khi tới Việt Nam là sự “rủi ro” bất ngờ. Nút thắt là chính sách dành cho các đoàn làm phim chưa được thông thoáng. Đôi khi sự cản trở rủi ro không đến từ thiên tai, khí hậu mà chính là từ những điều nhỏ nhất, thí dụ như cấp giấy phép... Các địa phương nên có chế tài khuyến khích các đoàn làm phim, lan tỏa tiếng tốt thì sẽ lôi kéo được các đoàn làm phim nước ngoài. Cần cụ thể hóa hơn các nghị định để tạo sự hấp dẫn đầu tư và yên tâm cho đoàn làm phim nước ngoài khi đến Việt Nam.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, thì việc xin giấy phép là quá trình vất vả nhất của đoàn làm phim. “Nếu một ngày đoàn làm phim phải quay hai chỗ thì việc xin giấy phép các sở, ngành rất vất vả, làm giảm đi thời gian và năng suất hoạt động. Hy vọng chính quyền Đà Nẵng sẽ có cơ chế mới thuận lợi cho các đoàn làm phim, để họ thỏa sức sáng tạo. Luật Điện ảnh đã có chính sách hỗ trợ rồi, còn chính sách hỗ trợ thiết thực nằm trong tay của các địa phương để áp dụng linh hoạt cho các đoàn làm phim”, bà Hạnh nói.
Thí dụ với tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Đà Nẵng, các nhà làm phim cho rằng, đây là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi như sự phát triển của công nghệ thông tin, môi trường khí hậu… Cùng với các giá trị tiềm năng về nhân văn, chiều sâu văn hóa, lịch sử của thành phố sẽ là bối cảnh, chất liệu phong phú và quan trọng để khai thác. Đà Nẵng đang phát triển ngành văn hóa, cần có tầm nhìn chiến lược cho điện ảnh, tìm cách kêu gọi và “mở cửa” cho đoàn làm phim đến Đà Nẵng.
Kỳ vọng từ Đà Nẵng
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF 2023 cho rằng, Luật Điện ảnh sửa đổi đã được thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. “Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành phim, để phát triển thị trường điện ảnh dần lớn mạnh”, TS Ngô Phương Lan phân tích.
Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú: Để phát triển ngành điện ảnh Việt Nam cần có sự phối hợp, mở rộng với đoàn phim nước ngoài, tổ chức các dịch vụ làm phim. Việt Nam đang tập trung rất nhiều nguồn lực ưu tú về sáng tác nhưng không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ hợp tác từ phía bên ngoài. So sánh với môi trường đầu tư điện ảnh thuận lợi ở các quốc gia khác như Thailand, Pháp, ông Tú cho rằng, hầu như tất cả các nước phát triển đều có chính sách ưu đãi thu hút các cá nhân, đoàn làm phim quốc tế, như miễn thuế thu nhập cá nhân, chiết khấu chi phí…, giúp tăng sức cạnh tranh và sự hấp dẫn cho điểm đến.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản - ông Oshitaka Sugihara nhắc lại vai trò của địa phương đối với việc thu hút điện ảnh là rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần có chế độ ưu đãi, hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn làm phim hoàn thành bộ phim một cách thoải mái và thuận lợi nhất. Ông Oshitaka Sugihara cho rằng, sự lan tỏa của ảnh hưởng công nghệ phim ảnh đến phát triển du lịch, trong thời đại công nghệ chỉ cần một bức ảnh hấp dẫn đưa lên mạng xã hội thì mạng lưới khán giả các quốc gia sẽ có khát khao tiếp cận. Nếu địa phương “chịu khó” dẫn các nhà làm phim đến nhiều địa điểm thì sẽ tạo ra những thước phim đẹp quảng bá hình ảnh của chính thành phố đó.
Riêng với Đà Nẵng, ông Oshitaka Sugihara cho rằng, để thu hút các nhà làm phim quốc tế, Đà Nẵng cần chào đón những đoàn làm phim đến thành phố, hỗ trợ họ, từ đó học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức trong phát triển công nghiệp điện ảnh. Cụ thể hơn có thể tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia để tạo chuỗi cung ứng dành cho điện ảnh.
Hiện, Đà Nẵng đang có nhiều quyết sách nhằm từng bước đặt nền móng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, kỳ vọng: Chúng tôi mong muốn được chào đón các đoàn làm phim trong nước và quốc tế tới khảo sát và lựa chọn Đà Nẵng làm bối cảnh quay phim. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ các đoàn trong quá trình khảo sát, lựa chọn bối cảnh quay cũng như huy động các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và ẩm thực, các danh lam thắng cảnh để tạo nên một cơ chế đôi bên cùng có lợi và một số cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.