Một Thâm Tâm của văn xuôi
Đứng vái trước bức ảnh cha mình - liệt sĩ, nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình), người con trai duy nhất - Nguyễn Tuấn Khoa xúc động chia sẻ với cử tọa về hành trình cùng gia đình tìm lại các tác phẩm Thâm Tâm từng in báo, xuất bản trước năm 1945 mà nay còn ít người biết đến. Từ đầu những năm 2000 đến nay, bằng những nỗ lực được đánh giá là công phu, vất vả và cả tốn kém, con cháu cố nhà thơ đã cùng các đơn vị xuất bản, nhà sách đã tìm lại được di sản đáng ngạc nhiên của ông với 83 truyện ngắn, 29 kịch ngắn (trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, 1939 đến 1944), 27 truyện vừa (trên tạp chí Truyền bá), 2 tiểu thuyết “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài” (NXB Tân Dân từng ấn hành) và một số bài thơ chưa công bố. Ông Khoa còn cho biết, gia đình còn xây dựng trang web thamtamnet.vn, đưa lên các tác phẩm cùng các nội dung về tiểu sử, bình luận, kỷ niệm, di bút, di ảnh, hình ảnh Thâm Tâm, đồng đội cùng quê hương Hải Dương, Cao Bằng và Hà Nội có liên quan đến Thâm Tâm.
Các tác phẩm, nguồn tư liệu rất mở đó gợi đến ý tưởng về kế hoạch giảng dạy tác phẩm Thâm Tâm, hướng dẫn làm luận văn, luận án; cũng đồng thời là đòi hỏi tiếp tục công bố và nghiên cứu, khẳng định thêm tư cách nhà thơ, cũng như tầm vóc tác giả Thâm Tâm. Đây là ý kiến của PGS, TS Ngô Văn Giá, mà như ông kể, đã được nhận lãnh một trách nhiệm thiêng liêng từ hơn 20 năm trước để bắt đầu cho sự “trở lại” của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Thâm Tâm. Đó là thời điểm mà nhiều tác phẩm, tư liệu ở thời kỳ trước 1945 còn ở hình thức tiếp cận hạn chế. Trong một chuyến đi công tác phía nam, nhờ có thẻ giảng viên báo chí, nhà văn Văn Giá mới đọc được các bản Tiểu thuyết thứ bảy tại Thư viện Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Đọc để phục vụ công việc khác, nhưng tình cờ và ngỡ ngàng, ông thấy có in nhiều truyện ngắn của Thâm Tâm.
Và từ đây khởi sự cho quá trình sưu tầm, chụp lại tư liệu, in các tác phẩm vốn lưu trữ trên microfilm, làm việc với các thư viện và kết nối để gia đình nhà thơ Thâm Tâm đồng hành, tiếp tục công việc. Để từ tập truyện “đầu tiên” - “Truyện ngắn Thâm Tâm” gồm 38 truyện và kịch ngắn in ở NXB Văn học năm 2000 đến thời điểm này, nguồn tác phẩm dồi dào của thi nhân đã lộ diện, thật sự là đóng góp quan trọng cho đời sống văn học và công chúng.
Câu trả lời cho thế hệ mới
Nhưng như đề xuất của PGS Văn Giá, vẫn còn những việc cần làm. Đó là nên in lại tập thơ Thâm Tâm từng xuất bản năm 1988 khổ bỏ túi, với sự bổ sung các bài phát hiện sau này. Cần tìm kiếm các sáng tác và bài báo, thư từ, tư liệu về công tác của Thâm Tâm từ năm 1945 đến 1950 ở vai trò thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân, tiền thân của báo Quân đội nhân dân.
Đó là cả một sự nghiệp cần được “phát lộ” trở lại mà những gì được biết hôm nay đã làm thế hệ sau nể phục, thậm chí kinh ngạc. Trong lễ ra mắt tác phẩm Thâm Tâm vừa diễn ra sáng ngày 10/5 tại Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch, cuộc trở lại này, cảm giác như nhà thơ bước ra từ câu chuyện cổ. Thâm Tâm đã viết trong quãng thời gian bao nhiêu đói khổ, tao loạn, nhưng ông và những người viết khác đã làm nên những tác phẩm với một thời kỳ kỳ vĩ. Họ đã bước vào hai cuộc kháng chiến như những người lính thực thụ, và hôm nay chúng ta nhìn lại cả một thế hệ, một thời đại và những người viết trẻ có thể nghĩ về trách nhiệm, tư cách của mình trước xã hội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều liên hệ: Phải chăng lượng thông tin khổng lồ, nguồn tri thức dồi dào đã là đủ cho một người viết? Chưa, những người trẻ hôm nay có thể đọc gấp nhiều lần Thâm Tâm, nhưng sự dấn thân, tình yêu thương con người, yêu cuộc sống đến tận cùng mới giúp chúng ta có được những tác phẩm, như Thâm Tâm và thế hệ mình đã tạo dựng.
Thời gian qua, đặc biệt là gần đây, bạn đọc đã được biết đến những tác phẩm “mới” của nhà thơ “Tống biệt hành” - Thâm Tâm gồm: Tập truyện ngắn Thâm Tâm, tập truyện ngắn chọn lọc “Tháng ba sấm động” (NXB Văn học); “Thâm Tâm truyện vừa” (NXB QĐND); bộ ba gồm tuyển truyện ngắn “Gió thu hoa cúc gẩy rồi” cùng hai tiểu thuyết “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài” (NXB Lao động và Linh Lan Books); bộ ba truyện thiếu nhi gồm tập truyện cổ tích “Hai cây hoa nhài”, tập truyện dã sử “Thuồng luồng ở nước” và tập truyện đồng thoại “Con rùa đội vẹt” (NXB Kim Đồng).