Milan Kundera - Nặng nhẹ cũng một đời...

Milan Kundera là một nhà văn đặc biệt, không phải vì ông sở hữu một lý lịch bị tước quyền công dân suốt từ năm 1975 cho đến năm 2019 mới được khôi phục, và lại trở thành công dân CH Czech bốn năm cuối đời. Dù ông từ chối dịch tác phẩm cuối cùng của mình sang tiếng Czech, để "tác phẩm của tôi sẽ là một tác phẩm văn học Pháp", thì năm 2020, ông vẫn quyết định tặng thư viện Moravian-Brno, nơi ông sinh ra và lớn lên, toàn bộ bộ sưu tập các ấn bản sách của ông bằng tiếng Czech và khoảng 40 ngôn ngữ, cùng nhiều ấn phẩm giá trị khác.
0:00 / 0:00
0:00
Milan Kundera - Nặng nhẹ cũng một đời...

Ðiểm dừng sau cuối

Chỉ cần lần theo tên những cuốn tiểu thuyết của Milan Kundera, ta sẽ dễ dàng hình dung cuộc hành trình tưởng như một Trò đùa, bởi Những mối tình nực cười, khiến người ta tự nhủ Cuộc sống không ở đây khi đọc Sách cười và lãng quên, rồi muốn cuốn theo Điệu valse giã từ khi thấy Đời nhẹ khôn kham (The Joke, Laughable loves, Life is elsewhere, The book of Laughter and Forgetting, The Farewell Waltz, The Unbearable Lightness of Being)...

Thế rồi, hành trình ấy cũng dừng lại. Ngày 12/7/2023, Milan Kundera giã từ thế giới sau 94 năm vừa rực rỡ, vừa buồn đau. Như mọi cuộc chia ly, ta thường thầm phác họa bóng hình người đi trong ký ức.

Với từ khóa "Milan Kundera Archives" (Tư liệu về Milan Kundera), có tổng cộng 5.750.000 kết quả trên Google. Ta sẽ không thể đọc hết tức thì. Song, với vài trích đoạn trong các bài phỏng vấn, ghi chép được thực hiện trong hai năm 1984 và 1985 - quãng thời gian khoác danh vọng lên cuộc đời văn chương của Milan Kundera, biết đâu ta sẽ hiểu hơn về thân phận người vừa khuất bóng.

Mùa hè năm 1984

(Trích bài Nghệ thuật hư cấu số 81 đăng tải trên trang The Paris review, do Christian Salmon thực hiện).

-Kundera: Mỗi cuốn tiểu thuyết của tôi đều có thể được đặt tên là Đời nhẹ khôn kham, hay Trò đùa, hay Những mối tình nực cười, nghĩa là dễ dàng hoán đổi tên cho nhau, là bởi chúng đều phản ánh một số nhỏ các chủ đề ám ảnh tôi, xác định con người tôi, và thật không may, cũng hạn chế tôi luôn. Ngoài những chủ đề này, tôi không có gì khác để nói hoặc viết.

-C.Salmon: …Có thể có một Kundera khác không?

-Kundera: Tôi luôn mộng tưởng: Liệu tôi có thể dăm ba lần bất ngờ bội tín chính mình không? Nhưng rốt cuộc, vẫn vậy, tôi chưa thể thoát khỏi sự cố chấp của mình.

Tháng 4/1984

(Trích bài phê bình FOUR CHARACTERS UNDER TWO TYRANNIES của E. L. Doctorow đăng trên The New York Times)

-"...Câu chuyện - thoạt có vẻ là chuyện đời thật bởi văn phong trung thực hết mức - rút cuộc chính là nhu cầu lý giải lịch sử thảm khốc của đất nước mình, cuộc đời mình đã có sẵn trong tâm trí nhà văn... Tâm trí mà Kundera phô bày thật sự ghê gớm, và chủ đề liên quan thật sự đáng báo động. Nhưng, chúng ta buộc phải tự hỏi: Cuộc khủng hoảng niềm tin của ông ấy nằm ở đâu, trong thế giới thật hay chỉ trong sáng tác?".

Tháng 6/1984

(Trích bài phê bình Kundera and Kitsch của John Bailey đăng tải trên trang London Review of books)

"Bất chấp tiêu đề của nó, không có gì là nhẹ nhàng trong Đời nhẹ khôn kham...

Trong một xã hội không có đời sống riêng tư, chỉ thấy một bên là sự hoài nghi không đáy, bên kia là hào nhoáng hãnh tiến vô độ thì tình người ắt cũng được xây dựng chính từ cái thị hiếu tầm phào rỗng tuếch ấy.

...Kẻ thù đích thực của Kundera không phải là Cái chết hay Luật pháp, mà là các chính trị gia với những giá trị được ngụy trang".

Milan Kundera - Nặng nhẹ cũng một đời... ảnh 1
Milan Kundera để lại cho văn học thế giới những di sản đáng nhớ.

Cũng trên tờ The New York Times, tháng 5/1985

(Trích bài ghi chép A talk with Milan Kundera do Olga Carlisle thực hiện).

-Olga: Gần 10 năm sống ở Pháp, ông thấy mình giống một người di cư, một người Pháp, một người Czech, hay chỉ là một người châu Âu không có quốc tịch cụ thể?

-Kundera: Tôi không có hy vọng gì về việc trở lại. Pháp là quê hương duy nhất của tôi bây giờ. Tôi sẽ cảm thấy bị mất gốc ở Prague nhiều hơn là ở Paris.

-Olga: Nhưng ông vẫn viết bằng tiếng Czech đấy thôi?

-Kundera: Tôi viết tiểu luận bằng tiếng Pháp, nhưng viết tiểu thuyết bằng tiếng Czech, bởi vì kinh nghiệm sống và trí tưởng tượng của tôi neo đậu ở Bohemia, ở Prague.

-Olga: Trẻ con là điều xa lạ trong tác phẩm của ông. Cuốn Đời nhẹ khôn kham chẳng hạn, đột nhiên Tereza nói với Tomás: "Em biết ơn anh vì không muốn có con", trong khi ở một tác phẩm khác, một con lợn bỗng dưng thành nhân vật đáng yêu hết mức. Sự thiên lệch sang động vật này liệu có hơi "lố" không?

-Kundera: Tôi không nghĩ vậy đâu. Chỉ là, những gì đã chứng kiến khiến tôi khó chịu. Ở Pháp, trước cuộc bầu cử, tất cả các đảng phái chính trị đều có áp-phích, khẩu hiệu giống nhau về một tương lai tốt đẹp hơn, và đâu đâu cũng thấy những bức ảnh trẻ em tươi cười, chạy nhảy và nô đùa. Than ôi, tương lai của con người chúng ta không phải là tuổi thơ mà là tuổi già. Chủ nghĩa nhân văn chân chính của xã hội được bộc lộ qua thái độ đối với tuổi già, nhưng đố ai tìm thấy điều ấy trên mọi tấm áp-phích đấy. Là một nhà văn không có nghĩa là rao giảng một sự thật. Ta phải khám phá ra một sự thật.

-Olga: Rồi, có khi nào tác phẩm của ông thành tự truyện không?

-Kundera: Không nhân vật nào trong tiểu thuyết của tôi là chân dung tự họa hay chân dung của ai đó đang sống. Tôi ghét những kiểu tự truyện trá hình. Bất cứ ai tiết lộ những chuyện riêng tư của người khác đều đáng bị trừng phạt. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự riêng tư bị hủy hoại. Dần dần, chúng ta quen luôn với điều ấy, mà quên rằng: Khi cuộc sống của một người bị phơi bày, không thể trốn tránh sự soi mói của đám đông, thì đó là địa ngục.

Đã tối muộn khi cuộc phỏng vấn kết thúc, Milan Kundera tiễn tôi (Olga Carlisle) về khách sạn, tản bộ một đoạn ngắn trong đêm Paris ẩm ướt. Ông thú thật rằng mình càng ngày càng ít đọc sách, vì các nhà xuất bản Pháp in sách ngày một trở nên nhỏ bé hơn. "Tôi sẽ xem xét khả năng đây là một âm mưu khiến tôi cần mua một cặp kính mới". Lảng tránh khi bị hỏi đang viết tiểu thuyết gì, ông bông lơn về việc đang cân nhắc tên cho một kịch bản mình viết. "Có lẽ là Ba ông chồng và Hai tình nhân, hoặc Hai ông chồng với Ba nhân tình".

"Đối với tôi, dường như ngày nay Mimọi người thích phán xét hơn là thấu hiểu, thích trả lời hơn là hỏi; vì vậy, tiếng nói của tiểu thuyết khó có thể được nghe thấy trong sự ồn ào xuẩn ngốc của thế nhân… Chúng ta chỉ có một cuộc đời. Đời càng nhiều gánh nặng, thì ta càng bị đè bẹp, bị chìm đắm, vì nó ghim chặt ta xuống. Nhưng chẳng phải là càng nặng thì ta càng gần với thế giới thực hơn hay sao?" - Kundera thổ lộ.

Và chúng ta - những độc giả của ông - sẽ chọn gì? Một cuộc đời nhẹ bỗng phi thực, hay bước thẳng vào khổ đau để hiểu thấu giá trị cuộc hành trình giải đáp hai chữ Con Người?