Mãi thảo thơm một tấm lòng

Trong những ngày chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xúc động nhận được sách tặng của nhà báo Phan Thu Hương, người vợ hiền của nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương - một con người đặc biệt mà tôi đã có dịp tiếp xúc và làm việc trong hội thảo khoa học “Nhà trí thức Phùng Văn Cung với cách mạng miền nam”, năm 2013 tại tỉnh Vĩnh Long.

Vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương.
Vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương.

1/Cuộc gặp cho tôi ấn tượng sâu sắc với một nhà văn - nhà báo tiêu biểu của giới văn bút cách mạng miền nam trước năm 1975. Tôi còn nhớ như in, ông đã trầm tư rất lâu trước những éo le và sự hy sinh, cống hiến của gia đình trí thức Phùng Văn Cung với cách mạng miền nam. Nhiều ý kiến, cứ liệu và minh chứng từ nhà báo Trần Thanh Phương đã góp phần sáng tỏ hơn vẻ đẹp, sự cống hiến của bác sĩ Phùng Văn Cung. Cũng từ cuộc gặp gỡ ấy, tôi hiểu rõ hơn trí tuệ, tâm huyết và đức độ của nhà báo Trần Thanh Phương với các vị lão thành, với công cuộc cách mạng trong mọi bước ngoặt thời cuộc. Cũng từ đó, tôi mới biết ông chính là “kho tư liệu sống” của giới văn bút phía nam.

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương viết rất nhiều, tiêu biểu phải kể đến: “San hô đỏ” (1975), “Trong rừng dẻ hương”, “Xứ sở phù sa”, “Xa xa mũi đất Cà Mau” (1987), “Về nhà mình xa quá, má ơi!” (2006), “Tuyển tập ngắn” (1975); “Những người còn sống mãi” (1980), “Trịnh Công Sơn”, “Người hát rong qua các thời kỳ” (2001), “Nghệ sĩ Bạch Tuyết - cải lương chi bảo” (2004), “Chân dung bằng chữ” (2011), “Lời cuối với nhà văn đã đi xa” (2016), “Rượu với văn chương” (2017)... Những tập sách - những đứa con tinh thần vừa là mạch sống của các nhà văn vừa để lại nguồn tri thức, những nỗi niềm gửi gắm và biết bao nết đất nết người đằm. Trần Thanh Phương là như vậy. Ông viết cái gì cũng mê đắm. Viết cái gì cũng là viết cho chính mình, dâng hiến trí tuệ và mồ hôi nước mắt. Bể văn chương chữ nghĩa vốn vô cùng nhưng những lắng đọng từ ông, chiu chắt và sẻ chia với mọi người, với thời cuộc phải là một trái tim mạnh mẽ, một sự học hỏi trầm sâu và nhất là tính khiêm nhường đã tạo nên một Trần Thanh Phương vừa nghiêm ngắn khuôn khổ vừa mở mang dài rộng.

2/Trong một lá thư riêng, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Tôi rất quý anh Trần Thanh Phương, tác giả hơn 10 cuốn sách về sử, địa chí, văn học… mà vẫn khiêm tốn…

Anh Phương lại âm thầm làm cái việc sưu tầm tư liệu về văn hóa - văn nghệ nước nhà rất có ích.

Trên đời này tôi quý nhất hai loại người: Người có tài và người có tài liệu. Anh Phương có tài hay không tôi chưa biết, nhưng anh Phương có tài liệu”.

Đó là những nhận xét đích đáng của một bậc thầy về nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương.

Sinh thời, nhà báo Trần Thanh Phương luôn rất yêu thích và tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử. Cứ nhìn cái cách ông sưu tầm tài liệu đông tây kim cổ tốn công tốn sức vô cùng rồi lặng thầm hiến tặng các khu vực, các bảo tàng trong nam ngoài bắc, đã thấy được nhiệt huyết của ông với báo chí văn chương, với lịch sử. Tấm lòng ấy đã từ lâu trao truyền sang người vợ hiền của ông - nhà báo Phan Thu Hương. Chính tấm gương của họ, từ những việc làm cụ thể nhưng chất chứa nghĩa tình và vô cùng trách nhiệm đã cho chúng ta phải nhận thức toàn diện hơn, vận động và hành động làm nhiều việc có ích hơn trong cuộc sống.

3/Trong nhiều lần giao lưu, trò chuyện với giới văn bút TP Hồ Chí Minh, tôi đã nhận ra một Trần Thanh Phương không chỉ quyết liệt, tâm huyết với nghề mà còn sống hết sức nghĩa tình, thơm thảo. Có lẽ sâu sắc và đặc sắc nhất chính là những dòng của người vợ hiền, người đồng chí, đồng nghiệp suốt đời của ông dành cho người chồng thương kính của mình.

“Anh Phương của em!

...Đến viếng anh rất đông, rất tình cảm trong hai ngày.

Nổi bật là 10 tràng hoa cườm của các vị lãnh đạo Trung ương: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm, Nguyễn Thiện Nhân, Trần Thanh Mẫn.

Các báo: Nhân Dân, Đại đoàn kết và nhiều báo khác. Các nhà văn, nhà thơ già và trẻ. Các nhà giáo và các học sinh cũ của em ở Trường cấp 3 Việt Nam - Ba Lan ở Hà Nội trước năm 1975 và Trường cấp 3 Bùi Thị Xuân thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm qua.

Bạn đồng môn của anh và của em thời phổ thông và đại học.

Chen trong phòng tang lễ ngập tràn người và hoa đủ mầu sắc, có những đồng nghiệp ngoài chín mươi tuổi run run cầm cây nhang, mắt nhòa lệ trước linh cữu anh: anh Nguyễn Ngọc Thạch - nguyên Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết; chị Bình Định, chị Hoa Lý - Báo Nhân Dân nức nở thương tiếc người em hiền lành. Và không ít bạn đọc đến viếng - họ là học sinh, sinh viên, là người hay đọc sách, là nhà nghiên cứu, là giáo sư, tiến sĩ... 

Nếu anh tỉnh dậy, anh sẽ rất ngạc nhiên, sung sướng vì đám tang anh được tổ chức trọng thể, ấm áp…

Chỉ còn một tiếng nữa, bình tro cốt bằng đá trắng chạm hoa sen, phủ vải đỏ như anh muốn sẽ được để vào phần mộ sát tía, má ở ấp Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, Cà Mau, nơi anh cất tiếng khóc chào đời tám chục năm trước. Em và những người thân yêu nhỏ những giọt nước mắt nóng hổi tiễn biệt anh.

Vĩnh biệt anh, chồng yêu quý của em hãy siêu thoát sau một cuộc đời ở trọ đầy ý nghĩa”.

Thật vô cùng xúc động.

Với lứa trẻ chúng tôi, nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương luôn mãi mãi thảo thơm một tấm lòng.