Mai một bản sắc kiến trúc nông thôn

Dưới tác động của đô thị hóa, các hoạt động “bê-tông hóa” trong xây dựng nhà ở không chỉ phá vỡ cấu trúc không gian, cảnh quan truyền thống, mà còn tác động tiêu cực đến các hệ giá trị văn hóa làng xã. Do đó, việc giữ gìn bản sắc, kiến trúc nông thôn vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa là mục tiêu cho sự phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi so trước đây.
Diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi so trước đây.

1/Nhiều năm qua, “cơn lốc” đô thị hóa đang khiến những không gian làng quê, kiến trúc nông thôn thay đổi chóng mặt. Các chuyên gia không ít lần cảnh báo về hiện tượng “phố trong làng” và những hệ lụy phát sinh những mong các nhà quản lý lưu tâm, săn sóc. Thế nhưng, thực trạng này chưa thay đổi được bao nhiêu, nếu không muốn nói là “giậm chân tại chỗ”. Trong một khoảng thời gian dài, nhiều không gian văn hóa truyền thống đã “biến mất”, bởi những hạn chế trong nhận thức về giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn còn chưa được cập nhật đầy đủ.

Với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhiều vùng quê đang thay da đổi thịt. Nhưng bên cạnh những nét tươi mới của tiến trình xây dựng nông thôn mới, những biến dạng của xóm làng với không gian ngột ngạt do sự cơi nới, hoạt động làng nghề… đang xâm lấn những cây đa, giếng nước, sân đình, nhà ngói, cây mít. Những hình ảnh làng quê được thay bằng nhà cao tầng theo kiến trúc kiểu nhà ống, chia lô, kiểu dáng rập khuôn na ná nhau. Nhiều vùng nông thôn truyền thống đang đối mặt nguy cơ “tan biến” trước tốc độ đô thị hóa và nhu cầu phát triển. Những hình thái kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp cảnh quan tự nhiên, cấu trúc của làng, xã. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở không phù hợp quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh.

Giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha phải được xem là một tiêu chí, là nội dung tổng quát, cốt lõi trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Quá trình này là xây dựng con người nông dân với lối sống đạo đức bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa, bắt đầu từ việc duy trì các quan hệ họ tộc, làng xóm láng giềng, giữ gìn và phát huy những nếp làng truyền thống, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống. Những địa phương còn hiện hữu các di sản văn hóa truyền thống cần được quan tâm chăm lo khơi dậy và phát huy. Các sản phẩm làng nghề truyền thống cần được nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa chứ không nên chỉ chăm chú vào giá trị kinh tế, hiệu quả sử dụng.

2/ Có người từng nói: “Nông thôn mới không có nghĩa cái gì cũng phải mới. Và tất nhiên, nông thôn mới không có nghĩa phải làm mới những rêu phong, thâm nghiêm cổ kính”. Thế nên, hiện không ít người dân tại các nông thôn mới vẫn tâm huyết bảo vệ nếp làng. Họ ý thức chăm chút, giữ gìn từng cổng làng rêu phong, từng cây cổ thụ, từng mái chùa thâm nghiêm đến giếng nước, ao làng, vườn cây. Họ cũng thường tổ chức các cuộc họp trong nhân dân để bàn bạc, thảo luận, góp ý việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phục dựng cổng làng, trồng thêm cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường giao thông. Ý thức của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện, giảm thiểu tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, đồng thời duy trì thường xuyên các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp, góp phần đưa vùng nông thôn trở thành những “miền quê đáng sống”...

Tại Hà Nội, thành phố đã triển khai thực hiện tiêu chí quy hoạch tương đối tốt. Các địa phương đều đã có quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cấp xã (còn thời hạn). Tuy vậy, với quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, một số xã vẫn chưa thực hiện xong. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, cải tạo các khu dân cư cũ trên địa bàn thành phố cũng chưa thực hiện được mà mới chỉ dừng ở các khu dân cư mới. Thế nên khi đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đã bị trừ điểm tiêu chí quy hoạch. Do đó, cần tăng cường nâng cao năng lực cán bộ, công chức quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là đội ngũ nòng cốt trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã.

Với thực trạng kiến trúc làng quê Việt Nam hiện nay, một vấn đề cốt yếu là cần hình thành các mô hình kết nối để tạo ra những không gian vừa có tính truyền thống, vừa mang lại những yếu tố tiện nghi với chất lượng sống đô thị. Trong xu hướng đô thị hóa, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, làm nên cốt cách làng quê Việt Nam vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu cấp thiết của sự phát triển bền vững.