Lỗ hổng chính sách khí hậu

Tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Bonn (Đức), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cảnh báo: Mục tiêu của thế giới giảm một nửa diện tích rừng bị phá vào năm 2020 đã bị bỏ lỡ, nay tham vọng đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030 cũng có nguy cơ “chịu chung số phận”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: THIAGO LUCAS
Biếm họa: THIAGO LUCAS

Diễn ra vào thời điểm 6 tháng trước Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng 11 tới tại Azerbaijan, Hội nghị Bonn được xem là “kỳ họp tiền COP”, nơi các quốc gia và tổ chức quốc tế cập nhật nỗ lực thực hiện cam kết và mục tiêu khí hậu. Báo cáo của UNEP có chủ đề “Nâng cao tham vọng, thúc đẩy hành động: Hướng tới tăng cường đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về bảo vệ rừng”, thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị.

Trong báo cáo, UNEP nhắc lại vai trò then chốt của rừng trong việc điều tiết khí hậu, chất lượng không khí và nước, ngăn chặn các hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã xác định rừng có thể đóng góp tới một phần ba trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ rừng bị chặt phá trên toàn cầu vẫn không ngừng tăng.

Mục tiêu năm 2020 đã lỡ, trong khi các cam kết theo NDC đến năm 2023 vẫn chưa thể đáp ứng tham vọng toàn cầu là xóa nạn phá rừng vào cuối thập niên này. Theo UNEP, trong số 20 nước có tỷ lệ rừng bị phá cao nhất, chỉ 8 nước tích hợp trong NDC kế hoạch hành động khí hậu và định lượng mục tiêu cụ thể về bảo vệ rừng. Nhưng các cam kết lại hầu hết tập trung vào mục tiêu trồng và tái trồng rừng, mà không chú trọng ngăn chặn nạn phá rừng.

Theo UNEP, đây là “lỗ hổng lớn” trong chính sách khí hậu. Việc ưu tiên giảm nạn phá rừng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm tình trạng biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, trên cùng diện tích, thì phải mất rất nhiều năm sau khi trồng rừng mới có thể bù đắp được khối lượng thu hồi carbon bị mất do phá rừng.

Quyền Giám đốc UNEP Dechen Tsering nhấn mạnh, thế giới không thể một lần nữa lỡ mục tiêu bảo tồn rừng. LHQ kêu gọi các quốc gia nỗ lực đưa ra các mục tiêu cụ thể và có thể đo lường về bảo vệ “lá phổi xanh” của hành tinh.