Bất đồng sâu sắc

Trong hai ngày cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp để bàn về viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi về việc để Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PODVITSKI
Biếm họa: PODVITSKI

Đây là cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO nhằm tìm kiếm nguồn vũ khí, đạn dược, đặc biệt là hệ thống phòng không để viện trợ cho Kiev giữa lúc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang leo thang.

Tuy nhiên, nội bộ NATO đang có bất đồng sâu sắc về việc để Ukraine sử dụng vũ khí mà phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ nước Nga. Cho đến nay, Italy và Mỹ vẫn phản đối việc để Kiev dùng vũ khí của phương Tây để tấn công sang lãnh thổ Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Italy A.Tajani tái khẳng định nước này sẽ không bao giờ cử binh sĩ tới Ukraine và Kiev không thể sử dụng vũ khí của Rome trên lãnh thổ Nga. Ngược lại, Pháp và Đức cho rằng, Ukraine cần được phép sử dụng vũ khí do các nước phương Tây cung cấp để tấn công các vị trí quân sự bên trong lãnh thổ Nga, những nơi mà các tên lửa Nga đã được bắn về phía lãnh thổ Ukraine.

Cũng tại hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẽ yêu cầu các đồng minh cam kết ít nhất 40 tỷ euro hằng năm để cung cấp tài chính viện trợ quân sự cho Ukraine. Trước đó, giới chức liên minh quân sự này từng đề cập số tiền 100 tỷ euro viện trợ cho Ukraine trong 5 năm tới, tương đương mức 20 tỷ euro mỗi năm.

Phản ứng trước các động thái của NATO, Điện Kremlin cho rằng Mỹ, NATO và một số nước châu Âu đang khuyến khích Ukraine tiếp tục “cuộc chiến vô nghĩa”. Nga cũng cáo buộc phương Tây làm leo thang căng thẳng trong những tuần gần đây. Ông Putin từng cảnh báo rằng, các nước thành viên NATO đang "đùa với lửa" khi đề xuất cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, mà theo ông có thể kích hoạt một cuộc xung đột toàn cầu.

Tranh cãi chung quanh việc có nên cho phép Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga bắt nguồn từ lo ngại điều này có thể kéo họ đến gần xung đột trực tiếp với Moscow. Thành thử, cung cấp vũ khí hay không vẫn là vấn đề khiến NATO còn chần chừ, bởi “ném chuột sợ vỡ bình”.