Xu hướng đáng ngại

Trong báo cáo khảo sát vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Global Health, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ: Khoảng 1,8 tỷ người, chiếm 31% số người trong độ tuổi trưởng thành trên thế giới, không đáp ứng mức hoạt động thể chất được khuyến nghị, dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh mãn tính.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: CLIPART LIBRARY
Nguồn: CLIPART LIBRARY

WHO ước tính, nếu xu hướng trên tiếp tục, mức độ người trưởng thành hoạt động thể chất không đủ sẽ tăng lên 35% vào năm 2030. Thế giới không thể đạt mục tiêu mà LHQ đặt ra là giảm 15% tỷ lệ thiếu vận động thể chất toàn cầu vào cuối thập niên này.

Báo cáo của WHO chỉ ra sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia và khu vực về tỷ lệ thiếu hoạt động thể chất. Tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), 66% số người trưởng thành không vận động đủ, trong khi tỷ lệ này ở Malawi không đến 3%. Sự chênh lệch cũng rõ rệt về giới tính và độ tuổi. Trung bình, phụ nữ có tỷ lệ thiếu vận động cao hơn nam giới, với các mức lần lượt là 34% và 29%. Cá biệt ở một số nước, sự khác biệt giữa hai tỷ lệ này lên tới 20 điểm phần trăm. Những người trên 60 tuổi ít vận động hơn so nhóm người trẻ tuổi.

Tình trạng thiếu hoạt động thể chất được WHO xác định là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch, tiểu đường, một số loại bệnh ung thư và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. WHO khuyến cáo, để khỏe mạnh, người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất cường độ vừa phải, hoặc 75 phút cho các bài tập mạnh hơn. Các hoạt động thể chất có thể là đi bộ, đạp xe, tham gia các môn thể thao, thậm chí là làm việc nhà.

Bên cạnh việc khuyến khích người trưởng thành thay đổi thói quen cá nhân, WHO cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp để thúc đẩy lối sống năng động cho người dân, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao cộng đồng; khuyến khích đi bộ, sử dụng xe đạp, phương tiện giao thông công cộng...

WHO khuyến nghị, để đảo chiều xu hướng đáng lo ngại tình trạng thiếu hoạt động thể chất đòi hỏi nỗ lực chung, từ cả cá nhân và chính phủ. Bằng cách thúc đẩy lối sống lành mạnh và năng động, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thể chất, thế giới có thể cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.