Trấn an đồng minh

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã có chuyến thăm Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của khối, được tổ chức tại Washington (Mỹ) trong tháng 7 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SHADI-GHANIM
Biếm họa: SHADI-GHANIM

Trong cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden hôm đầu tuần, ông Stoltenberg thông báo rằng 23 quốc gia thành viên sẽ đáp ứng mục tiêu phân bổ ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng năm 2024.

Trong cuộc nói chuyện tại tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Wilson, ông Stoltenberg cũng không quên thông tin về các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng. Ông nhấn mạnh, đây là “tin tốt” với cả châu Âu và Mỹ.

Lãnh đạo NATO cho biết, số thành viên đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng đã tăng mạnh so mức dưới 10 quốc gia cách đây 5 năm. Theo cam kết, chi tiêu quốc phòng của các thành viên ở châu Âu và Canada sẽ tăng 18% trong năm nay và đây là mức tăng cao nhất trong nhiều thập niên qua.

Yêu cầu phân bổ ngân sách bằng ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quân sự được NATO đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của khối năm 2014. Thời điểm đó, trong số 28 thành viên, chỉ 3 nước gồm Mỹ, Hy Lạp và Anh đáp ứng mục tiêu này. Tuy nhiên, những năm qua, việc thực hiện mục tiêu vẫn trì trệ và chi tiêu quốc phòng trở thành vấn đề gây chia rẽ giữa Mỹ với châu Âu. Thậm chí, Washington còn dọa rút lại một số cam kết hợp tác trong NATO.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng “gây sốc” khi chỉ trích các đồng minh châu Âu chi quá ít cho an ninh của chính họ, mà chỉ dựa vào “chiếc ô bảo vệ” của Mỹ. Hồi đầu năm nay, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục chỉ trích châu Âu và tuyên bố nếu trở lại Nhà trắng ông sẽ lập tức chấm dứt chính sách bảo vệ những thành viên NATO nào không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng.

Trong cuộc gặp Tổng Thư ký NATO, Tổng thống Biden cảnh báo rằng, NATO đang đối mặt thách thức lớn, tại một trong những thời điểm phức tạp nhất với châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. NATO cần đủ tiềm lực để tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của khối.

Trong bối cảnh đó, việc lãnh đạo NATO nêu bật triển vọng đạt được mục tiêu ngân sách quốc phòng rõ là động thái trấn an các đồng minh trong khối và xoa dịu bất đồng lâu nay giữa Mỹ và châu Âu.