Lắng nghe ý kiến trẻ em

Xoay quanh sáu nhóm vấn đề, gồm giáo dục, lịch sử - văn hóa, y tế, môi trường, khoa học sáng tạo và rèn luyện kỹ năng - phát triển năng khiếu, nhiều ý kiến, giải pháp mà các đội viên đưa ra tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi” năm 2023 được đánh giá cao về tính thực tế, thẳng thắn và xác đáng.
0:00 / 0:00
0:00
Các em thiếu nhi đóng góp ý kiến tại chương trình gặp gỡ.
Các em thiếu nhi đóng góp ý kiến tại chương trình gặp gỡ.

Không chỉ quanh việc học

Bên cạnh các mong muốn, đề xuất liên quan đến việc nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp sát với chương trình giáo dục phổ thông mới, bổ sung thêm trang thiết bị, tăng cường các chương trình ngoại khóa, rèn kỹ năng sống, đổi mới phương pháp giảng dạy, những nội dung thuộc các vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường, y tế, đổi mới sáng tạo… cũng ghi nhận sự quan tâm của rất nhiều đại biểu trong số 150 thiếu nhi tham gia chương trình gặp gỡ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh năm nay.

Đề cập vấn đề “sức khỏe tinh thần học đường”, em Trần Nguyễn Kỳ Duyên, học sinh Trường THCS Tân Tiến, huyện Củ Chi cho rằng, hiện nay, nhiều học sinh dễ rơi vào áp lực, thậm chí bị trầm cảm do gặp các trục trặc trong chuyện học tập, sinh hoạt mà thiếu người nâng đỡ, hỗ trợ kịp thời. “Mong rằng học sinh chúng em sẽ được tham gia thêm nhiều buổi tư vấn tâm lý học đường cho từng độ tuổi để ngày càng nhiều học sinh có thể tâm sự cũng như nói lên những nỗi niềm của mình về vấn đề học tập”, Duyên chia sẻ.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh kịp thời hơn cũng là mong muốn được Nguyễn Võ Ngọc Giàu, học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh bày tỏ tại chương trình gặp mặt. Theo Giàu, trường học tập trung dạy kiến thức thật nhiều sẽ không đủ vì học sinh rất cần được trang bị nhiều kỹ năng sống, trong đó quan trọng nhất là việc xác định và ngăn chặn hành vi bạo lực học đường để biết cách bảo vệ mình và bạn bè. Ngọc Giàu và nhiều học sinh khác mong rằng, sẽ có thêm chuỗi hoạt động, những sản phẩm tương tác, các chương trình tọa đàm nhằm giúp thanh, thiếu nhi hiểu hơn về tầm quan trọng của việc nên ngăn cấm bạo lực học đường xuất hiện trong trường học.

Câu chuyện làm sao nâng cao chất lượng bộ môn Lịch sử tiếp tục được các em thiếu nhi nhắc lại kèm theo những đề xuất cụ thể. Các em mong đợi sự chuyển biến trong cách dạy theo hướng mở, cho học sinh trải nghiệm thực tế nhiều hơn, ra ngoài nhiều hơn và tham gia các hoạt động thiết thực. Riêng với vấn đề môi trường, rất nhiều bạn nhỏ cung cấp các giải pháp thể hiện mong muốn xây dựng thành phố sạch đẹp và xanh hơn như thay đổi cách tuyên truyền theo hướng mới mẻ, sống động, phù hợp nhu cầu tiếp cận của giới trẻ. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tái chế rác thải nhựa, bổ sung thêm mảng xanh, đẩy mạnh các chương trình giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em...

Sẽ thêm nhiều thay đổi

Trước những ý kiến đóng góp liên quan đến chất lượng bộ môn Lịch sử trong nhà trường, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ sớm có thêm những đổi mới trong cách dạy và học nhằm giúp các em học sinh không còn thấy khô khan, nhàm chán. Sắp tới đây, ngoài việc học kiến thức từ sách giáo khoa, học sinh sẽ được tiếp cận các công trình lịch sử, văn hóa tiêu biểu để tăng tính trải nghiệm, giúp nắm bắt đầy đủ các nội dung. Bên cạnh đó, thành phố còn bổ sung thêm nhiều sân chơi, hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường tương tác, học tập hiệu quả cho các em.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các chương trình lịch sử - văn hóa tiếp cận học sinh cần làm theo hướng sáng tạo, hấp dẫn hơn. Có như vậy mới thu hút được các em, từ đó đưa ra những hướng dẫn, định hướng phù hợp. Theo bà Thúy, đẩy mạnh phát triển văn hóa - lịch sử, đặc biệt là các yếu tố truyền thống cho học sinh không chỉ là chuyện của vài trường, câu chuyện xã hội hóa hoặc chỉ ở riêng một lĩnh vực nào đó mà cần có một chiến lược đồng bộ và tác động thường xuyên.