1. Truyền thống văn học người Việt thiếu sử thi, đó là sự thiếu khuyết của một nền văn học lớn. Bù lại, các dân tộc thiểu số anh em khác trên đất nước đa dân tộc Việt Nam, thể loại văn học dài hơi này thì vô số, trải đều từ bắc tới nam. Mức độ nào, các sử thi truyền miệng được các học giả người Pháp, sau đó là các nhà nghiên cứu Việt Nam tiến hành sưu tầm, ấn hành và nghiên cứu trong thời gian trên dưới trăm năm nay. Qua đó, công chúng văn học ít nhiều cũng đã từng biết đến giá trị sử thi Đam San của dân tộc Ê Đê, Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường, truyện thơ Xống chụ xôn xao dân tộc Thái, hay Tiếng hát làm dâu của người Mông... Chỉ thế thôi, bộ phận văn học này đã làm giàu sang nền văn học đa dân tộc Việt Nam không phải là ít.
Vẫn còn là chưa đủ!
Vài thập niên qua, sau ngày đất nước thống nhất, khi công tác điều nghiên văn hóa dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, các nhà nghiên cứu đã khám phá nhiều vỉa tầng văn học còn ẩn giấu trong dân gian, nơi vùng sâu miền xa còn chưa được khai thác. Rồi chỉ trong khoảng 10 năm (1995-2005), ở Nam Trung Bộ, một bộ phận lớn văn học Chăm đã được giới thiệu với những sử thi, trường ca trữ tình, thơ triết lý, gia huấn ca... rất đặc trưng, phần nào giới độc giả quan tâm hình dung được nền văn học của dân tộc từng có chữ viết sớm nhất Đông - Nam Á này. Còn văn học dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thì sao?
Dân tộc có chữ viết, ở đó các tác phẩm văn chương đa phần đã được văn bản hóa từ thế kỷ 16 như dân tộc Chăm, thì công tác sưu tầm, nghiên cứu tương đối dễ dàng hơn; ngược lại, với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mà các thể loại văn học vẫn còn ở dạng hát truyền khẩu, thì nguy cơ thất truyền là rất lớn.
2. Từ đầu thế kỷ 21, sử thi Tây Nguyên được lên đề án sưu tầm, dịch thuật và phân loại ở tầm quốc gia. Sau 10 năm miệt mài, 62 tập với 60.000 trang in song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) và các tỉnh Tây Nguyên được ấn hành, là một khối lượng đồ sộ và có thể được coi là kỷ lục. Việc các nhà nghiên cứu đề xuất UNESCO đưa sử thi Tây Nguyên vào danh mục văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, là cần thiết. Bởi, có thể nói không quá rằng, sử thi là niềm hãnh diện không chỉ riêng người Tây Nguyên, mà còn là niềm hãnh diện chung của nền văn học đa dân tộc Việt Nam.
Đến nay, cho dù non ngàn sử thi đã được sưu tầm, thu âm, trong đó hàng trăm bộ sử thi được "tháo băng", chỉnh lý và xuất bản, thế nhưng vấn đề bảo tồn kho tàng văn học dân gian đặc biệt này vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Và, ngoài ba bộ sử thi liên hoàn có độ dài lớn như: sử thi Ốt Drông của người M'nông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xê Đăng, ở đó mỗi bộ gồm khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết chặt chẽ, mà sự hoàn chỉnh chúng thành dạng văn bản khả tín nhất, là một thách thức lớn; còn lại là bao nhiêu sử thi lẻ khác đang nguy cơ thất truyền ở một ngày không xa.
Kho tàng văn học vô giá ấy rồi sẽ ra sao? - Rất bấp bênh!
Các nguyên do được nêu ra là rõ mồn một: không gian văn hóa sử thi bị phá vỡ, nghệ nhân hát sử thi ngày càng có tuổi rồi mất; biết rằng ở hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông, hiện chỉ còn năm người biết hát kể sử thi Ê Đê và hai người biết hát kể sử thi M'nông; rồi khi không gian hát sử thi không còn, thế hệ trẻ thôi mặn mà với di sản văn hóa tổ tiên để lại; cuối cùng điều thiết yếu là các nhà nghiên cứu người bản địa (hay cả người Kinh) vừa thông thạo hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng dân tộc) vừa hiểu biết văn hóa dân tộc đồng thời nhiệt tình với công tác nặng nhọc và dài hơi này không có nhiều. Ba nhập một, tất cả tạo nguy cơ đẩy sử thi Tây Nguyên thất truyền ngày càng nhanh hơn, toàn diện hơn. Sử thi đã và đang kêu cứu!
3. Dù gặp bao trở ngại và công cuộc trước mắt vẫn còn đòi hỏi những nỗ lực khác nữa, nhưng với thành tựu ban đầu, lộ trình sưu tầm - nghiên cứu và công bố kho tàng sử thi Tây Nguyên vừa qua khiến chúng ta có thể tạm yên tâm, rằng kho tàng văn học quý giá ấy sẽ không bị mất trắng.
Song, nếu nghiên cứu chỉ để nghiên cứu, văn hóa dân tộc chỉ như một thực thể chết, và mất hết nguyên giá trị thực của nó. Vấn đề đặt ra ở đây chính là truyền bá giá trị văn hóa đến với thế hệ con cháu cộng đồng đã sáng tạo ra di sản văn hóa ấy.
Rồi việc phổ cập sẽ ra sao, khi mỗi "bộ" chỉ có lượng in khá khiêm tốn? In, gần như chỉ đủ trang trí cho các thư viện và làm đầy tủ sách các nhà nghiên cứu. Trong khi đó, đối tượng cần tiếp cận nhất để nuôi dưỡng hơi thở sử thi là chính người đồng bào dân tộc lại hoàn toàn không nhận được thành quả văn học truyền thống của ông bà mình để lại. Chúng ta nghiên cứu chỉ để cho nhà nghiên cứu đến sau nghiên cứu, hay cho các sinh viên tham khảo làm luận văn tốt nghiệp thôi sao?
Tôi đã thử đi vào mươi nhà trí thức dân tộc thiểu số Tây Nguyên quen biết - ở Đác Lắc, ở Gia Lai -làm cuộc điều tra thử: gần như hiếm có nhà nào có cuốn sử thi, nói chi sở hữu trọn bộ 62 cuốn dày cộm ấy!
Ở sử thi Chăm, do được văn bản hóa, nên tác phẩm mang dấu ấn cá nhân rõ rệt. Người ta có thể đọc thấy những đoạn văn hay. Ví như khi người anh ruột là Xamưlaik bị sát hại bởi chính bàn tay chồng mình trong trận chiến cuối cùng, công chúa Xapatan đã khóc:
Thế rồi công chúa Xapatan khóc
Tiếng khóc thảm thiết, cả xứ sở động lòng
Và dòng sông
Từ trên cao chảy lại
Nước cuộn xoáy mãi không nỡ trôi đi
(Dom nan Xapatan Diwi
Cauk xơp nhu hari grơp nưgar jang paxơng
Ia di kraung đwơc mưng ngauk mai tơl
Camauh patri cauk nan ia dawing đwơc o truh)
(Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB Tri thức, 2011).
Với đoạn trích từ một sử thi Chăm như đoạn thơ trên, người đọc có thể đọc bằng mắt và thưởng thức một mình, như thưởng lãm một tác phẩm văn học viết. Ngược lại, sử thi Tây Nguyên thuộc thể loại văn học dân gian vẫn còn ở dạng truyền khẩu, nó phải sống trong không gian văn hóa sử thi đúng nghĩa.
Một khi sử thi không được già làng hay nghệ nhân hát trong các buôn plây, khi chúng không được truyền tụng cho thế hệ con cháu, hỏi những "khan", "hơmon", "hơri", "jukar" kia sẽ đi về đâu? Chúng chết là cái chắc, hay nếu có sống cũng chỉ "sống" ngắc ngoải trong các thư viện.
Không thể xoay chiều lịch sử để có thể bắt thế hệ con cháu Ê Đê, Jrai, Ba Na, Raglai... hôm nay ngồi quanh đống lửa để nghe sử thi như trăm thế hệ trước ông bà họ đã từng; còn hành vi sân khấu hóa sử thi với việc mời nghệ nhân luống tuổi lên hát trên sân khấu đèn mầu ấy thì không giải quyết được vấn đề gì cả, ngoài mang tính trình diễn cho... hợp thời. Có thể văn bản hóa sử thi kia thành những tập nhỏ, những cuốn sách mỏng để thể loại văn học này đến tận xó xỉnh buôn plây hẻo lánh nhất không? Hay có thể đưa sử thi vào chương trình phổ thông ở các tỉnh có con em dân tộc thiểu số học - để các cháu khởi đầu tiếp cận văn học truyền thống dân tộc mình? Bởi chỉ thế thôi, ta mới có thể nói đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa đúng nghĩa, bằng không mệnh đề ấy chỉ còn là khẩu hiệu vô hồn không hơn không kém.
Nếu nghiên cứu chỉ để nghiên cứu, văn hóa dân tộc sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ mai một hết giá trị thực của nó. Vấn đề đặt ra ở đây chính là truyền bá giá trị văn hóa đến với thế hệ con cháu cộng đồng đã sáng tạo ra di sản văn hóa ấy. |