Làm sạch sông hồ Hà Nội

Thủ đô Hà Nội hiện có một số nguồn nước chính. Đó là nguồn nước do các con sông ở thượng nguồn đổ về như sông Hồng, sông Lô hay sông Đà. Tiếp theo đó là nguồn nước mưa và nước ngầm. Hà Nội cũng phải “gánh” nguồn nước thải khổng lồ từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra, gây ô nhiễm sông ngòi trầm trọng mà chưa được khắc phục hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Dẫn nước sông Đà về góp phần làm sạch hồ Tây và một số sông trên địa bàn Hà Nội là giải pháp đang được chú ý. Ảnh: MINH LÊ
Dẫn nước sông Đà về góp phần làm sạch hồ Tây và một số sông trên địa bàn Hà Nội là giải pháp đang được chú ý. Ảnh: MINH LÊ

Nguồn nước khả quan làm sạch sông Hà Nội

“Việc ứng xử hợp lý với những nguồn nước này có liên quan trực tiếp tới môi trường và điều kiện sống của hàng triệu người dân cả trong thời gian ngắn lẫn về lâu dài”, PGS, TS Khổng Doãn Điền, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội bày tỏ. Một số nghiên cứu cho thấy, nguồn nước do các con sông từ thượng nguồn đổ về là phương án lý tưởng, bền vững nhất bảo đảm cung cấp nước sạch cho các con sông Thủ đô. Các chuyên gia tại Hội Cơ học Hà Nội đang dành sự chú ý đặc biệt để phân tích vai trò của hai con sông lớn nhất đổ về Thủ đô là sông Hồng và sông Đà.

Từng có ý tưởng đưa nước sông Hồng vào hồ Tây và dùng để rửa sạch các con sông ở Hà Nội như sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… Nhưng đánh giá cho thấy, phương án này không hiệu quả vì nước sông Hồng nhiều phù sa, việc làm sạch bùn cát rất phức tạp, tốn kém. Chưa kể, sông Hồng mỗi năm giảm nhiều tỷ m3 nước so với trước vì phía thượng nguồn chảy qua Trung Quốc nơi đã có nhiều đập thủy điện, dẫn tới nhiều trạm bơm nước của Hà Nội không đủ cột nước để bơm vào mùa kiệt. Điều này dẫn tới thực trạng nhiều sông nội thành không có nguồn cấp và trở thành sông “chết”, chỉ làm nhiệm vụ tiêu khi có mưa và tiêu nước thải, gây bốc mùi và ô nhiễm môi trường.

“Trước thực tế này, sông Đà trở thành phương án tiềm năng nhất. Đầu tiên phải kể tới việc nước sông này chảy trữ tại hồ thủy điện Hòa Bình có dung tích 9,6 tỷ m3 nước, có thể trở thành nguồn cấp nước sinh hoạt lý tưởng, an toàn cho Thủ đô”, PGS, TS Khổng Doãn Điền phân tích.

Nhiều chuyên gia, đặc biệt là trong ngành thủy lợi đánh giá, Hà Nội có ưu thế riêng là phía tây bắc có sông Đà chảy từ nam lên phía bắc với nguồn nước dồi dào, cung cấp 50% lưu lượng cho sông Hồng. Địa hình khu vực có cao độ tự nhiên từ Ba Vì đến hồ Tây nên rất thuận cho chiều dòng chảy. Nguồn nước sông Đà luôn ổn định cả về mùa kiệt, cộng thêm chất lượng nước bảo đảm sạch khi bùn cát, tạp chất đã được lắng đọng qua nhiều hồ thủy điện lớn, nhỏ. Nước sông Đà có thể cấp vào hồ Tây mà không phải qua xử lý, vẫn bảo tồn được hệ thủy sinh vật tại đây.

Chọn giải pháp khả thi

Cho đến nay, nhiều dự án khôi phục lại một số dòng chảy đã được đầu tư nhưng chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Cụ thể như tại sông Tích có dự án tiếp nước cải tạo được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 với tổng mức đầu tư 6.914 tỷ đồng. Giai đoạn 1 khởi công từ ngày 17/5/2011 đến nay đã 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Kênh dẫn và nhiều công trình của cống đầu mối Lương Phú vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí đang bị xuống cấp.

Tương tự, trường hợp dự án làm sống lại sông Đáy triển khai từ 2002 và hoàn thành năm 2008 không phát huy hiệu quả do từ đó tới nay, mực nước sông Hồng quá thấp, không có nước chảy vào sông Đáy. Có dự án còn chưa đi vào thi công như dự án năm 2013 cho sông Nhuệ, được phê duyệt với kinh phí trên 4.200 tỷ đồng, nhưng công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khó khăn về thủ tục nên vẫn chưa thi công.

Trước thực tế đặt ra yêu cầu ngày càng bức thiết, các chuyên gia tại Hội Cơ học Hà Nội đề xuất lợi dụng chiều cao mực nước sông Đà tại cống Lương Phú (Ba Vì, Hà Nội), dẫn nước tự chảy vào sông Tích, sông Đáy và sông Nhuệ, bổ sung nước hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải sử dụng hệ thống thủy lợi đã có kết hợp tuyến đường giao thông theo quy hoạch sử dụng đa mục tiêu, để không phải tái định cư, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, nhanh chóng thi công thuận lợi.

Theo các chuyên gia, trước hết, cần tạo dòng chảy tự nhiên trên các trục sông của Hà Nội, từ đó cải tạo môi trường, làm sạch cảnh quan đô thị. Kỹ sư Nguyễn Trường Duy, Tổng Thư ký Hội Cơ học Hà Nội, phân tích: “Giải pháp này sử dụng nguồn nước sau phát điện nên không ảnh hưởng lợi ích ngành điện. Lượng nước lấy khoảng 60% tổng lưu lượng theo quy hoạch đã được cấp phép nên không làm thiếu hụt nguồn nước hạ lưu”.

Tại hội thảo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cấp nguồn tự chảy bền vững, nhằm cải thiện môi trường cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, hồ Tây và sông Tô Lịch của Thủ đô Hà Nội” vừa diễn ra tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các chuyên gia của Liên hiệp thể hiện mong muốn đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho lập đề án thực hiện một số nội dung chính: Trước hết, cần nghiên cứu giải pháp công trình đập dâng, đánh giá tác động môi trường của đập dâng trên sông Đà, phía hạ lưu cống Lương Phú. Tiếp theo là đề xuất các giải pháp công trình dẫn nước từ sông Tích tại Sơn Tây về hồ Tây.

“Đối với các dự án đã được phê duyệt, chúng tôi mong sự chỉ đạo của UBND thành phố tới các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh các hạng mục cống Lương Phú, kênh dẫn của dự án sông Tích giai đoạn 1 khởi công từ 17/5/2011 đến nay chưa hoàn thành, đồng thời bố trí kinh phí thực hiện thi công đoạn qua thị xã Sơn Tây đã được phê duyệt”, kỹ sư Nguyễn Trường Duy bày tỏ.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, giải pháp trên sẽ góp phần hiệu quả tạo dòng chảy, làm sống lại sông Tích, sông Đáy và sông Nhuệ… Đồng thời, giúp chủ động được thời vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cải thiện môi trường và bảo đảm dân sinh.