Làm mới tranh mèo truyền thống

Với nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt tám năm, họa sĩ Nam Chi đã bước đầu khôi phục được nhiều dòng tranh dân gian, trong đó có cả dòng tranh Kim Hoàng tưởng như đã thất truyền. Không dừng lại ở đó, Nam Chi đang cố gắng tìm tòi, sáng tạo nên những mẫu tranh dân gian mới, bổ sung thêm đa dạng, phong phú cho kho tàng tranh dân gian của Việt Nam. Nhân dịp Tết Quý Mão, anh đã cho ra mắt bộ sưu tập tranh mèo dân gian được nhiều bạn trẻ ưa thích.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Nam Chi.
Họa sĩ Nam Chi.

Phóng viên (PV): Được biết, bộ tranh Tết Quý Mão của họa sĩ Nam Chi gồm những bức tranh dân gian sống động về những chú mèo. Cảm hứng từ đâu, anh có ý tưởng xây dựng nên những bức tranh độc đáo như vậy?

Họa sĩ Nam Chi: Từ lâu, hình tượng loài mèo đã thẩm thấu trong văn hóa Việt Nam và được thể hiện qua các dòng tranh dân gian. Thí dụ như trong tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Trong tranh Hàng Trống cũng có hình ảnh chú mèo đứng trên bàn của các em học sinh.

Thậm chí, hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật thân thuộc này.

Chính di sản mỹ thuật truyền thống của cha ông, đã tạo cảm hứng cho tôi sáng tạo nên những bức tranh dân gian về đề tài linh vật mèo, cũng là để phục vụ cho công chúng dịp Tết Quý Mão sắp đến. Đến nay bộ sưu tập tranh dân gian mèo của tôi đã được gần 10 bức.

PV: Được biết để vẽ tranh dân gian mèo, họa sĩ Nam Chi đã có những tìm tòi, sáng tạo như thế nào trong cách thể hiện để tạo nên sự khác biệt?

Họa sĩ Nam Chi: Tôi đã theo “nghề” vẽ tranh dân gian cũng được hơn tám năm. Ngay từ khi bước chân vào nghề, tôi luôn tự đặt ra một câu hỏi, đó là: Làm thế nào để làm phong phú, đa dạng hơn kho tàng tranh dân gian của Việt Nam và đưa tranh dân gian đến gần hơn với người trẻ? Để làm được như thế, tôi nghĩ cần phải có sự sáng tạo hơn trong cách tạo mẫu tranh dân gian, từ bố cục, đường nét, cho đến mầu sắc, để công chúng dễ dàng tiếp nhận hơn và bổ sung thêm vào số lượng mẫu tranh dân gian Việt Nam, thay vì những mẫu truyền thống đã có từ trước.

Những bức tranh mèo tôi vừa vẽ đều có sự biến đổi dựa trên những chất liệu dân gian truyền thống. Về đề tài, tôi đã nghiên cứu và vẽ thêm các mẫu mèo mới, kết hợp với nhiều con vật khác, như: Miêu ngư đồ (Mèo - cá), Miêu điệp đồ (Mèo -bướm)…

Với mầu sắc, tôi thêm vào tranh những mảng mầu đối lập sáng tối tương phản, thay vì “hòa” những mầu có nét tương đồng như trong tranh truyền thống. Về bố cục, tôi lựa chọn bố cục hình tròn (bố cục rất hiếm gặp trong dòng tranh dân gian) tạo sự độc đáo, mới lạ, thêm ý nghĩa cho bức tranh.

Làm mới tranh mèo truyền thống ảnh 1

Tranh Miêu điệp đồ của họa sĩ Nam Chi.

PV: Cuộc gặp gỡ xưa - nay đưa những bức tranh xưa vượt qua khỏi khuôn khổ của những chiếc khung, bước gần đến công chúng, nhưng chắc hẳn để làm được điều này anh đã phải vượt qua nhiều khó khăn?

Họa sĩ Nam Chi: Đúng vậy, khó khăn nhất là những bước đầu tiên. Tôi đã phải tìm đọc rất nhiều các công trình nghiên cứu về mèo trong lịch sử, văn hóa, mỹ thuật Việt Nam, nhưng quả thực đây là đề tài vẫn còn ít nhà nghiên cứu đề cập đến. Những phác thảo đầu tiên, hầu như tôi phải bỏ đi hết, vì vẽ “chưa ra”, bởi nhìn vẫn giống con hổ quá! Vậy là tôi phải đến tham khảo các nghệ nhân tranh dân gian truyền thống như cụ Lê Đình Nghiên (tranh Hàng Trống), mới dần hiểu sự khác nhau giữa đường nét vẽ mèo và nét vẽ hổ. Thậm chí, sự khác biệt đó còn được thể hiện qua từng họa tiết vằn vện trong bức tranh. May mắn hơn, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng tập hợp giúp tôi những tư liệu điêu khắc mèo của các đình làng, từ đó tôi mới có cái nhìn toàn cảnh hơn về hình tượng mèo trong văn hóa Việt.

PV: Trong mỗi tác phẩm của bộ tranh Tết Quý Mão, anh muốn gửi gắm thông điệp gì?

Họa sĩ Nam Chi: Theo quan niệm của nhiều người, mèo là con vật không may mắn. Nhưng trong tranh của tôi, mèo là hình ảnh biểu tượng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thí dụ như bức tranh Miêu ngư đồ biểu trưng cho may mắn, sung túc, tiền tài phát đạt,... Hình tượng mèo ngoạm cá với ý nghĩa một năm Quý Mão sẽ mang lại nhiều điều may mắn, thành công và luôn dư dả. Hay bức Miêu điệp đồ thì biểu trưng cho sự sống lâu và trường thọ. Hình ảnh mèo mẹ, mèo con thể hiện sự sum vầy và đoàn viên,…

Quan trọng hơn, tôi muốn lan tỏa tình yêu mỹ thuật truyền thống nói riêng và lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung đến công chúng và đặc biệt là giới trẻ. Để họ hiểu rằng từ hàng trăm, hàng nghìn năm, ông cha ta, dân tộc ta đã tài hoa, sáng tạo như thế nào và đó là điều rất đáng để chúng ta tự hào!

Sắp tới, chúng tôi đang dự định sẽ tổ chức những triển lãm, workshop về “Linh vật mèo trong tranh dân gian”, để giới trẻ biết đến nhiều hơn về biểu tượng mèo trong văn hóa cũng như hiểu hơn về những dòng tranh dân gian độc đáo của dân tộc ta. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện để đưa những bức tranh dân gian trong bộ sưu tập Tết Quý Mão lên các vật dụng gần gũi với giới trẻ như: móc chìa khóa, quần áo, túi xách, phụ kiện,… Đó như một nỗ lực của tôi và các cộng sự mong có thể xây dựng được một “chiếc cầu” nối thế hệ trẻ với văn hóa truyền thống của dân tộc.

PV: Chân thành cảm ơn họa sĩ!