Khơi thông dòng vốn đầu tư công

Kỳ 1: Chậm do những điểm nghẽn cố hữu

Lời tòa soạn - Vốn giải ngân đầu tư công là nguồn lực, là động lực phát triển, song đây lại là vấn đề "trăn trở" kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ của Chính phủ. Từ số báo 14 (ra ngày 2/4/2023), Nhân Dân cuối tuần khởi đăng chùm bài đưa ra góc nhìn sâu, đa chiều về đầu tư công, qua đó kiến nghị những giải pháp đi từ gốc của vấn đề, gắn với thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong xây dựng và thực thi chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2023, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nội tại, trong đó, quan trọng nhất là thúc đẩy đầu tư công, thông qua đó, giúp tăng tổng cầu, tăng tốc độ luân chuyển dòng vốn trong nền kinh tế. Điều đáng quan ngại, việc giải ngân dòng vốn này luôn không đạt yêu cầu đặt ra bởi nhiều nghịch lý kiểu "tự làm khó mình" và những điểm nghẽn cố hữu.

Có tiền nhưng… khó tiêu!

Vồn vã đón chúng tôi ngay sau khi kết thúc cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện kéo dài đến gần 7 giờ tối, anh Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) nói: "Các bạn ăn tối với tôi nhé!".

Rồi lấy ra mời mấy phong lương khô, anh Lượng chia sẻ, huyện đang vào cao điểm lo giải quyết đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục cho các nhà đầu tư, nhà thầu phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Nhiều việc quá, thời gian tám giờ một ngày là không đủ. Thật sự, có từng ngày trăn trở với việc làm sao vừa kịp tiến độ ở các dự án, công trình vừa tuân thủ đúng các quy định tài chính trong đầu tư công, mới thấu hiểu một điều: "kiếm ra tiền đã khó, nhưng tiêu tiền còn khó hơn".

Huyện Việt Yên là địa bàn trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với bốn khu công nghiệp lớn, gồm: ba khu công nghiệp đã được lấp đầy với lượng công nhân rất lớn (khoảng gần 200.000 công nhân), và một khu công nghiệp (Việt Hàn) đang gấp rút hoàn thành giai đoạn một để bàn giao cho chủ đầu tư.

Tháng 4/2021, khi Bắc Giang là tâm dịch lớn của cả nước, thì địa bàn huyện Việt Yên chính là "tâm của tâm dịch". Sau ba năm, dù dịch bệnh đã trở thành quá khứ, nhưng nhiệm vụ phục hồi kinh tế, nối lại vòng quay phát triển vẫn là một áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương, trong đó có việc triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đặc biệt, đây là thời điểm địa phương vừa đảm nhận nhiệm vụ kiện toàn cơ sở hạ tầng kết nối với quy hoạch chung của tỉnh, vừa đầu tư phát triển, với một lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước không nhỏ…

Sự trăn trở này không chỉ nằm ở cấp chính quyền địa phương. Khi bàn về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát ở mức cao… Là một nước đang phát triển, nền kinh tế của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội tại còn nhiều khó khăn, trong khi đó chúng ta lại đang thực hiện hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong… Trong bối cảnh ấy, nền kinh tế chịu sức ép lớn, một trong những giải pháp để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững là thúc đẩy đầu tư công.

Năm 2022, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/1/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so các năm trước đây. Công tác giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so năm 2022. Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng cao hơn khi đưa ra mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số gần 711.700 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước đây, khó khăn nhất trong đầu tư công là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được. Những vướng mắc, tồn tại trong công tác đầu tư công nói chung và công tác giải ngân vốn đầu tư công nói riêng là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, là những vướng mắc do chúng ta "tự làm khó mình, tự đem đá buộc chân mình". Đặc biệt là những vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Cụ thể, trong chuẩn bị đầu tư, theo quy định hiện hành, khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư. Như vậy, khi bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì… hai năm sau mới giải ngân được. Bộ Tài chính đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì… vướng hết!

Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Chính vì vậy, khi nói về việc giải ngân đầu tư công, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận về cốt lõi vấn đề này. Công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm do những điểm nghẽn cố hữu nên mới có tình trạng "có tiền nhưng… khó tiêu!".

Nhiều dự án chưa đủ điều kiện nhưng… lại giao vốn

Có thể thấy, nếu thành công trong việc phân bổ và giải ngân thì nguồn vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tính đến cuối tháng 2/2023, tổng số vốn đã phân bổ là 672.032,241 tỷ đồng, đạt 95,05% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 79.464,632 tỷ đồng.

Đến thời điểm cuối tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch được giao, cụ thể như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hưng Yên, Tuyên Quang...

Nghịch lý là qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính phát hiện "nhiều đơn vị phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân.

Điển hình như tại tỉnh Hưng Yên, có dự án được bố trí vốn quá thời gian quy định. Hay tại tỉnh Đắk Nông, có hai dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng chưa bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo tổng mức đầu tư được duyệt. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ 150 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chương trình phục hồi cho hai dự án thuộc lĩnh vực y tế khi chưa có quyết định đầu tư và chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của chương trình(?).

Về nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, Bộ Tài chính chỉ rõ, thứ nhất, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao. Thứ hai, đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 39/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn 15/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Thứ ba, đối với vốn kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 40/48 địa phương, trong đó, có 15/40 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước kỷ lục, chưa kể kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang, sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Khi nguồn vốn đầu tư công được phân bổ, giải ngân chậm sẽ kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nếu vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được "khai thông" chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế của cả năm sẽ khả quan hơn.

Bước vào những ngày cuối của quý I/2023, trước tình hình chậm phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ĐTC, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 123/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cần "thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phân bổ và giải ngân đầu tư công".

(Còn nữa)